Đầu tuần tới (27/2), Tòa án Hà Nội sẽ đưa đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) ra xét xử sơ thẩm.
Đây có lẽ là vụ án sẽ giữ kỷ lục về các con số khủng so với các đại án kinh tế được đưa ra xét xử trong thời gian vừa qua.
Cách đây không lâu, cơ quan tố tụng ở TP.HCM đã xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB).
Đây là vụ đại án kinh tế có gần 200 đương sự liên quan được triệu tập. Có 20 luật sư bào chữa cho các bị cáo, đó là chưa kể đến các luật sư bảo vệ quyền lợi cho các đương sự. Phiên tòa cũng có 36 bị cáo.
Tuy nhiên, con số này sẽ không là gì khi tuần tới Tòa án Hà Nội đưa đại án kinh tế tại Oceabank ra xét xử. Theo thông tin, vụ án này, tòa sẽ triệu tập gần 600 đương sự liên quan đến vụ án, có hơn 40 luật sư tham gia tranh tụng tại phiên tòa.
Phiên tòa này cũng có số bị cáo lớn nhất trong số các đại án kinh tế đưa ra xét xử gần đây gồm 48 bị cáo.
Dự kiến phiên tòa xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng Oceabank kéo dài gần 1 tháng.
Theo cáo trạng, trong quá trình làm Chủ tịch Oceanbank, Hà Văn Thắm cùng các đồng phạm là thuộc cấp tại NH có nhiều vi phạm trong hoạt động tín dụng gây thiệt hại cho NH và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách tiền tệ của Nhà nước.
Bên cạnh đó, các vi phạm pháp luật của Hà Văn Thắm và thuộc cấp góp phần gây thiệt hại của NH gần 2.000 tỷ đồng. Trong vụ án này, cơ quan tố tụng xác định, Hà Văn Thắm là chủ mưu, cầm đầu.
Ngoài Hà Văn Thắm bị truy tố, 47 bị cáo còn lại chủ yếu là lãnh đạo tại hội sở ngân hàng và lãnh đạo các chi nhánh, phòng giao dịch của Oceanbank trên toàn hệ thống, lãnh đạo Công ty BSC.
Trong các bị cáo phải hầu tòa còn có Nguyễn Xuân Sơn (SN 1962) - cựu TGĐ Oceanbank - là đại diện góp vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại NH.
Với 3 tội danh đều bị truy tố theo khoản 3 Bộ luật hình sự, Hà Văn Thắm đối mặt mức án cao nhất 30 năm tù giam.