Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những điểm sáng của kinh tế Thủ đô

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bước vào năm 2016 (năm đầu của kế hoạch 5 năm 2016 - 2020), Hà Nội đang tập trung cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVI bằng các chương trình, kế hoạch công tác lớn.

Mặc dù vẫn còn nhiều thách thức nhưng kinh tế Thủ đô vẫn ghi nhận những nỗ lực vươn lên.

Chuyển từ quản lý sang phục vụ           

Bên cạnh những thuận lợi cơ bản thì bước sang năm 2016, kinh tế Thủ đô cũng phải đối mặt với không ít khó khăn: Ảnh hưởng từ những bất ổn của tình hình chính trị, kinh tế thế giới và khu vực; cầu tiêu dùng thấp, chậm cải thiện; lãi suất ngân hàng ở mức cao... Tuy nhiên, trong bối cảnh trên, Hà Nội đã đạt được một số kết quả trong phát triển kinh tế khi mà tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 7,2%, duy trì mức tăng cao hơn 1,32 lần so với cả nước (tăng trưởng GDP cả nước quý I/2016 đạt 5,46%). Trong đó, các ngành dịch vụ, công nghiệp - xây dựng của TP đều đạt mức tăng trưởng 7,4%, cao hơn tăng trưởng chung. Nhờ đó, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực, đặc biệt là một số ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ chất lượng cao...
Những điểm sáng của kinh tế Thủ đô - Ảnh 1
Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là điểm sáng nổi bật nhất của kinh tế Hà Nội những tháng đầu năm 2016. Riêng trong quý I/2016, Hà Nội đã thu hút được 110 dự án FDI đầu tư cấp mới và tăng vốn với tổng vốn đăng ký hơn 810 triệu USD, gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2015, đưa Hà Nội dẫn đầu cả nước về thu hút FDI. Du lịch Thủ đô tiếp tục khởi sắc với hơn 3 triệu lượt khách đến trong quý I/2016, tăng gần 7% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế tăng mạnh với 761.000 lượt, tăng 28,7% so với quý I/2015. Ngành du lịch đang tập trung thực hiện mục tiêu xây dựng Hà Nội thành điểm đến “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn”. Tổng thu ngân sách trên địa bàn quý I đạt khoảng 44.920 tỷ đồng, bằng 26,5% dự toán năm, tăng 14,5% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, công tác kiểm soát giá cả, thị trường được thực hiện tốt. An sinh xã hội trên địa bàn được bảo đảm. Hết quý I, 5 huyện có tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 75%, trong đó 3 huyện Thanh Trì, Đông Anh, Hoài Đức đủ điều kiện và đang trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện nông thôn mới.

Những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế đầu năm 2016 của Hà Nội có phần nguyên nhân từ những giải pháp đồng bộ, kịp thời trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thời gian qua; từ những biện pháp nâng cao chỉ số cải cách hành chính và từ những đổi mới trong chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo TP theo hướng sâu sát, quyết liệt hơn, tập trung “phục vụ” DN và người dân với phương châm 5 rõ (rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả).

Tăng sức cạnh tranh

Kết quả tích cực trong những tháng đầu năm là tiền đề quan trọng để dự báo và tin tưởng rằng kinh tế Hà Nội sẽ đạt được chỉ tiêu tăng trưởng GRDP năm 2016 mà HĐND TP đã thông qua là từ 8,5 - 9%. Tuy nhiên, có không ít thách thức đặt ra đòi hỏi TP phải vượt qua. Những thách thức chủ yếu là: Năng lực cạnh trạnh của kinh tế Hà Nội cải thiện chậm; khả năng thu hút các nguồn lực, nhất là vốn cho đầu tư phát triển ngày càng khó khăn; tính chủ động khi nền kinh tế tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới chưa cao...

Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế Hà Nội trong các tháng tiếp theo và cả năm 2016, một số giải pháp đang được TP triển khai quyết liệt, đó là nâng cao hơn nữa hiệu quả cải thiện môi trường đầu tư. Phải tiếp tục rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến đất đai, đầu tư có ảnh hưởng lớn đến hoạt động của DN. Bên cạnh đó, TP cũng tích cực tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN; thúc đẩy phong trào khởi nghiệp; phát huy vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước trong thông tin, đào tạo, tư vấn, liên kết… và vai trò các Quỹ của TP trong việc hỗ trợ đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Trong bối cảnh hội nhập mới, TP cần tranh thủ, tận dụng thời gian, cơ hội, nhanh chóng xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch, triển khai đồng bộ hoạt động xúc tiến để đón bắt làn sóng mới của đầu tư nước ngoài vào Việt Nam khi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được ký kết và triển khai trong thời gian tới. Tập trung nâng cao hiệu quả đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ; Quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư, tập trung vốn cho một số công trình trọng điểm, cụm công trình trọng điểm của TP; Tăng cường giám sát, quản lý nhằm nâng cao chất lượng các công trình, nâng cao hiệu quả đầu tư công… là những giải pháp căn bản hỗ trợ cho phát triển kinh tế. Cùng với đó là tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và DN của đội ngũ cán bộ, công chức; cải thiện rõ rệt môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của TP để Hà Nội trở thành điểm đến tin cậy và mong đợi của cộng đồng DN trong nước và các nhà đầu tư quốc tế.
Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp (NH - DN) luôn được Hà Nội, mà trực tiếp là Sở Công Thương, NHNN Chi nhánh TP, các đầu mối và các tổ chức tín dụng trên địa bàn… quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện. Chương trình này đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN về vốn, tín dụng và lãi suất; thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, đóng góp thiết thực cho sự tăng trưởng cao của nền kinh tế TP. Trong 4 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn đạt ước đạt 4,8%. Về lãi suất, lãi suất huy động bằng VND tương đối ổn định, một vài ngân hàng điều chỉnh tăng, giảm nhẹ lãi suất huy động để cơ cấu lại nguồn vốn hợp lý hơn. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8 - 9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3 - 11%/năm đối với trung và dài hạn.
Nguyễn Thị Mai Sương Giám đốc NHNN Chi nhánh Hà Nội