Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những điều cần biết về ngày vía Thần Tài

Trương Huyền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng năm cứ đến ngày mùng 10 tháng Giêng Âm lịch, người Việt, đặc biệt với những người buôn bán, kinh doanh thường mua đồ lễ cúng trước bàn thờ Thần Tài để cầu tài lộc cho 1 năm mới làm ăn thuận lợi.

Sự tích ngày vía Thần Tài
Hiện có nhiều sự tích lý giải nguồn gốc ngày vía Thần Tài, trong đó phổ biến nhất là sự tích kể về ngày mùng 10 tháng Giêng - ngày Thần Tài bay về trời.

Tích rằng, thời xa xưa, trong một lần đi chơi uống rượu, Thần Tài không may bị rơi xuống trần gian, đầu va vào đá mất trí nhớ. Quần áo lại bị kẻ gian lấy đi mất, Thần Tài lang thang xin ăn. Đến 1 nhà kinh doanh vịt, gà, heo quay rất ế ẩm, thấy người lang thang, chủ quán mang đồ ra mời.

Thần Tài thích món này và ăn rất nhiều, chẳng ngờ từ lúc Thần Tài vào quán, khách đến nườm nượp. Chủ quán thấy vậy nên ngày nào cũng mời Thần Tài đến ăn. Được một thời gian, chủ quan thấy Thần Tài chẳng làm gì mà chỉ ăn, thân thể không tắm rửa bao giờ nên lo khách thấy sẽ sợ, chủ quán liền đuổi khéo đi. Từ hôm đó quán lại vắng vẻ, ế ẩm như cũ.

Chủ 1 quán đối diện thấy vậy liền đón ông về, liền sau đó khách từ đâu kéo vào chật quán. Lúc này các hàng quán thi nhau chèo kéo, mời bằng được Thần tài về quán của mình.

Thần Tài được người dân quanh đó dẫn đi mua quần áo, đến cửa hàng Thần Tài nhìn thấy bộ quần áo mà kẻ gian bán đi của ông, liền nhớ lại mọi chuyện và vội mặc quần áo bay về trời. Hôm đó đúng ngày mùng 10 tháng Giêng Âm lịch.

Để tưởng nhớ Thần Tài, mọi người chọn ngày vía Thần Tài là ngày ông bay về trời. Ngoài ngày vía chính Thần Tài là ngày mùng 10 tháng Giêng Âm lịch, ngày mùng 10 Âm lịch hàng tháng cũng được mọi người cúng Thần Tài nhằm cầu xin may mắn, tài lộc trong tháng.
Cúng gì trong ngày vía Thần Tài?

Theo tín ngưỡng dân gian, cứ vào ngày Thần Tài mùng 10 tháng Giêng Âm lịch, nhà nhà lại nô nức đi sắm lễ vật để cúng lấy vía Thần Tài để cầu xin làm ăn thuận lợi, phát đạt trong năm mới. Trong đó, mua vàng với mong muốn “buôn may bán đắt” là một phong tục không thể thiếu, bởi vàng là tượng trưng cho giàu sang và phú quý. Người ta tin rằng mua vàng trong ngày vía Thần tài và cất vàng trong két, trong ví hay để ở những nơi gần gũi với gia chủ sẽ mang lại tài lộc, sung túc cho cả năm.

Thông thường trong ngày này mâm cúng Thần Tài thường chuẩn bị 1 lọ hoa, 1 con tôm, 1 con cá lóc nướng, 1 con cua, 1 miếng thịt lợn quay, 1 bộ tiền vàng mã, 1 đĩa quả, rượu. Đặc biệt, không được chọn đồ giả để bầy lễ. Bàn thờ Thần Tài thường được đặt dưới đất, nơi trang nghiêm hướng ra cửa chính.

Các chuyên gia phong thủy cho rằng lễ cúng Thần Tài nên vào buổi sáng lúc 7 - 9h (giờ Thìn) là đẹp nhất. Trước khi làm lễ cúng cần lau dọn bàn thờ thận trọng. Lễ Thần Tài nên làm trong nhà, tránh để trước cửa hay ngoài sân, ban công.