Sau chuyến công du Nhật Bản và Hàn Quốc của Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ đón người đồng cấp từ Nhật Bản và Hàn Quốc sang vào thời điểm chỉ vài ngày trước khi Thủ tướng Nhật Bản Yohishide Suga sang Mỹ làm khách nước ngoài đầu tiên của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden ở Nhà Trắng.Bộ ba này gần như hoàn toàn cùng hội, cùng thuyền trong quan điểm chính sách đối với Triều Tiên. Chẳng hạn như họ cùng đều cảm nhận bị Triều Tiên thách thức và đe dọa về an ninh. Họ đều cùng theo đuổi mục tiêu không để cho Triều Tiên có vũ khí hạt nhân và kiềm chế cả chương trình phát triển tên lửa của Triều Tiên. Họ đều cùng theo đuổi chiến lược đối với Triều Tiên là vừa sử dụng răn đe về quân sự và trừng phạt Triều Tiên về kinh tế, thương mại, tài chính lại vừa tìm cách thuyết phục Triều Tiên đi vào đối thoại để phi hạt nhân hóa Triều Tiên.Những động thái mới đây từ phía Triều Tiên như làm găng với Mỹ và Trung Quốc hay lại phóng tên lửa làm cho nhu cầu của bộ ba này về tăng cường thống nhất quan điểm và phối hợp hành động trở nên cấp thiết hơn, nhất là trong bối cảnh tình hình chính quyền mới ở Mỹ vẫn ở giai đoạn xem xét lại và hoạch định lại chính sách đối với Triều Tiên nói chung và tìm cách giải quyết vấn đề chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên nói riêng.Có hai tác nhân mới mà bộ ba này bây giờ phải lưu ý đến. Thứ nhất, ông Biden không tiếp tục cách thức người tiền nhiệm xử lý quan hệ của Mỹ với Triều Tiên và sẽ không đề cao tác động của mối quan hệ cá nhân giữa Tổng thống Mỹ với lãnh đạo Triều Tiên. Thứ hai, chính quyền mới ở Mỹ làm găng với cả Trung Quốc lẫn Nga mà cả hai đối tác này đều đóng vai trò cùng quyết định trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Cho nên bộ ba này tụm lại giờ cũng còn nhằm thống nhất quan điểm và phối hợp hành động cả đối với Trung Quốc và Nga nữa.