Sắc lệnh hành pháp tại Mỹ vốn gây tranh cãi vì qua mặt quốc hội - cơ quan đại diện cho tiếng nói của nhân dân - cho phép tổng thống tự hành động. Sắc lệnh hành pháp do đó dù hợp pháp và có hiệu lực thi hành cũng không phải là công cụ làm cho người dân "tâm phục khẩu phục". Sắc lệnh cấm di trú của Tổng thống Trump là một trong những sự kiện gây tranh cãi nhất kể từ khi ông lên nắm quyền, theo đó cấm nhập cảnh tạm thời vào Mỹ đối với mọi công dân từ 7 quốc gia đông người Hồi giáo. Trong khi tân Tổng thống cho rằng đây là biện pháp bảo vệ nước Mỹ khỏi mối nguy khủng bố, giới chức ngành tư pháp lại cho rằng, sắc lệnh này không phù hợp với Hiến pháp Mỹ.
Khởi đầu cho cuộc chiến dàiViệc xác định sắc lệnh hành pháp có hợp hiến hay không luôn là một cuộc chiến pháp lý căng thẳng, khó khăn và kéo dài. Phiên điều trần của Tòa Phúc thẩm liên bang khu vực 9 vào sáng nay (8/2, giờ Việt Nam) được cho là sẽ quyết định số phận của lệnh cấm thực thi sắc lệnh trên với sự tham gia của các luật sư thuộc Bộ Tư pháp Mỹ và các luật sư đại diện cho 2 bang đệ đơn kiện là Washington và Minnesota. Nếu bảo vệ thành công, chính phủ của Tổng thống Trump sẽ có cơ hội khôi phục sắc lệnh di trú.
Tổng thống Mỹ Donald Trump |
Tuy nhiên, tòa Phúc thẩm Liên bang Khu vực 9 có vai trò rất hạn chế trong giai đoạn đầu của cuộc chiến pháp lý này. Theo trình tự, Tòa sẽ phải kiểm tra xem liệu chính phủ liên bang có chịu tổn thất nếu lệnh tòa của thẩm phán Robart tiếp tục có hiệu lực. Tòa Khu vực 9 có thể bảo lưu lệnh của thẩm phán Robart, trả hồ sơ về tòa liên bang Tây Washington để tiếp tục xét xử, hoặc tuyên hủy bỏ lệnh này, tái khởi động sắc lệnh của Trump. Trong cả hai trường hợp, bên thua nhiều khả năng sẽ kháng cáo lên Tòa án Tối cao, nơi có quyền ra phán quyết cuối cùng về vụ việc. Tòa án Tối cao từ lâu cũng đã cấm các thẩm phán có hành động phê phán quyết định của nhánh hành pháp. Bởi vậy, phán quyết của ông Robart nhiều khả năng sẽ bị Tòa án Tối cao bác bỏ để khôi phục sắc lệnh của Trump. Điều đáng nói là hiện Tòa án Tối cao chỉ có 8 thẩm phán, khiến nhiều khả năng xảy ra tỷ lệ biểu quyết 4-4. Trong trường hợp này, vụ kiện sẽ được chuyển xuống tòa phúc thẩm và cuộc chiến pháp lý giữa hai bên có thể kéo dài trong nhiều tháng trước khi phán quyết cuối cùng được đưa ra. Ngoài ra, phải tính đến sức ép từ các cuộc biểu tình phản đối sắc lệnh hành pháp và đơn kiện của hơn 100 doanh nghiệp bị thiệt hại do sắc lệnh của ông Trump có thể khiến các thẩm phán của Tòa Tối cao mất nhiều thời gian để cân nhắc hơn.
3 kịch bản của sắc lệnh di trú
Theo Economist, tòa án cấp bang không thể bãi bỏ sắc lệnh của ông Trump mà chỉ có quyền ra phán quyết tạm ngừng sắc lệnh hành pháp. Vì thế kịch bản đầu tiên là sắc lệnh di trú bị bãi bỏ khi Tòa án Tối cao tuyên bố vi hiến. Tuy nhiên, quá trình chuyển sắc lệnh lên Tòa án Tối cao có thể mất tới cả năm và trong thời gian đó chính quyền của Tổng thống Trump hoàn toàn có thể thay đổi hệ thống nhập cư của Mỹ theo hướng những phán quyết của tòa liên bang gần như không còn phù hợp.
Kịch bản thứ 2 là Quốc hội dùng quyền lực của mình để "đóng băng" hiệu lực của một sắc lệnh hành pháp nhưng điều này rất khó thực hiện. Thông qua một đạo luật, Quốc hội có khả năng hạn chế kinh phí dành cho việc triển khai sắc lệnh di trú. Tuy nhiên, đạo luật này có thể bị Tổng thống phủ quyết, trừ khi 2/3 thành viên trong lưỡng viện đồng ý gạt bỏ sự phủ quyết của người đứng đầu Nhà Trắng.
Theo kịch bản thứ 3, sắc lệnh hành pháp của Tổng thống sẽ bị hủy bỏ bởi chính Tổng thống. Nhưng khả năng này khó có thể xảy ra bởi ông Trump đang thể hiện với cử tri quyết tâm thực hiện cam kết tranh cử.
Cơ hội chiến thắng của ông Trump trong cuộc chiến pháp lý này vẫn còn là dấu hỏi nhưng điều chắc chắc là sự tổn hại nhãn tiền của các doanh nghiệp Mỹ. Lập trường bảo hộ thương mại và siết chặt nhập cư thể hiện qua sắc lệnh trên khiến Thung lũng Silicon phải đối mặt với một tương lai u ám. Theo Fortune, sắc lệnh nhập cư và di trú này đã lập tức khiến tổng giá trị của 5 công ty đứng đầu danh sách S&P 500 “bốc hơi” gần 32 tỷ USD. Nhiều nhà đầu tư lo ngại sắc lệnh này tác động tiêu cực đến nguồn nhân lực của các công ty công nghệ cao, vốn sử dụng rất nhiều chất xám “nhập khẩu” từ các nước khác. Bên cạnh đó, theo tờ The Atlantic, lệnh cấm di trú cũng đang khiến hàng trăm nhà khoa học đang làm việc và học tập tại Mỹ mắc kẹt ở nước ngoài vì đã rời khỏi nước này trước khi sắc lệnh của ông Trump được ban hành.