Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những kịch bản lừa đảo được dựng sẵn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên tiếp trong thời gian gần đây, các lực lượng của Công an TP Hà Nội đã triệt phá hàng loạt vụ lừa đảo sử dụng công nghệ cao, chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của người dân đồng thời tạo ra nguy cơ gây nguy hại đến an ninh kinh tế, văn hóa, ảnh hưởng đến trật tự xã hội.

Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50) - Công an TP Hà Nội trong thời gian qua đã bắt giữ nhiều đường dây tội phạm liên quan tới thủ đoạn đe dọa các nạn nhân để chiếm đoạt tiền. Qua điều tra, cơ quan công an xác định, các đối tượng phạm tội thường giả danh nhân viên bưu điện thông báo thu hồi tiền nợ cước điện thoại và giả danh cơ quan công an điều tra vụ án để lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản.

Mạo danh để lừa đảo

Chỉ trong tháng 5 và 6/2014, PC50 đã liên tục nhận được trình báo của người dân về tình trạng các đối tượng mạo danh công an lừa đảo qua điện thoại. Bà N. ở quận Đống Đa (Hà Nội) - một nạn nhân của thủ đoạn lừa đảo này cho biết, ngày 20/6, có người gọi điện vào điện thoại cố định, tự xưng là nhân viên của VNPT và thông báo bà nợ 8.930.000 đồng tiền cước điện thoại. Người này còn hướng dẫn bà bấm phím “0” để nói chuyện với “cơ quan công an” để làm rõ sự việc. Làm theo hướng dẫn, bà N. được một người đàn ông giới thiệu là Minh, cán bộ của Công an TP Hồ Chí Minh, cho biết số điện thoại của bà đã đăng ký ngày 18/2/2014 tại một địa chỉ trên đường Nguyễn Trãi, phường 2, quận 5, TP Hồ Chí Minh. Sau đó, đối tượng chuyển sang liên lạc với bà N. qua điện thoại di động. Bà N. thấy màn hình hiển thị số máy (+83) 923xxxx. Kiểm tra qua tổng đài 1080, bà N. được trả lời đó là số điện thoại của một đơn vị công an tại TP Hồ Chí Minh. Do đó, khi đối tượng liên lạc, bà N. hoàn toàn tin tưởng đang nói chuyện với cơ quan công an. Lần này, đối tượng thông báo số Chứng minh Nhân dân của bà N. đang nằm trong đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia và đứng tên một tài khoản trị giá khoảng 4 tỷ đồng.

 
Hai đối tượng người Đài Loan cùng tang vật bị bắt giữ.
Hai đối tượng người Đài Loan cùng tang vật bị bắt giữ.
Đối tượng nói, để phục vụ công tác điều tra,  bà N. phải cung cấp toàn bộ thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, thông tin sổ tiết kiệm tại ngân hàng và đề nghị bà N. chuyển toàn bộ tiền có tại ngân hàng vào số tài khoản mang tên N.H.S tại Ngân hàng BIDV để phục vụ công tác điều tra, sau khi điều tra xong, cơ quan công an sẽ trả lại tiền. Đối tượng giữ liên lạc qua điện thoại di động với bà N. liên tục cho tới khi bà N. đến ngân hàng làm thủ tục chuyển 230 triệu đồng vào tài khoản theo hướng dẫn. Sau khi đã chuyển tiền xong, bà N. gọi lại số máy (+83) 923xxxx nhưng không liên lạc được. Lúc này, bà N. mới biết mình bị lừa thì đã muộn. Ngay sau đó, cơ quan công an đã bắt quả tang 2 đối tượng người Đài Loan đang thực hiện hành vi rút tiền của bà N. bằng thẻ tín dụng mang tên người khác để chiếm đoạt tài sản là Chang Khai Yeu (Trương Khải Nhạc, SN 1987) và Hsieh Ming Hsin (Tạ Minh Thu, SN 1983), đều mang quốc tịch Đài Loan.

PC50 cũng nhận được trình báo của một nạn nhân tên Đ. là giáo viên hưu trí trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Cũng với thủ đoạn nêu trên, ông Đ. đã chuyển số tiền tiết kiệm 720 triệu đồng vào tài khoản của bọn lừa đảo. Khi trình báo với cơ quan điều tra, các bị hại đều thừa nhận, họ hoàn toàn bị thuyết phục trước mánh khóe tinh vi và kịch bản hết sức hoàn hảo của bọn tội phạm nên đã tự nguyện chuyển tiền cho chúng.

Đường dây lừa đảo có tổ chức

Theo thống kê, tính riêng trong tháng 5 và 6/2014, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra 16 vụ lừa đảo qua điện thoại. Các vụ lừa đảo này có một đặc điểm chung là đối tượng mạo danh công an gọi điện thoại đến cho người dân và yêu cầu họ chuyển tiền vào tài khoản.

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, một cán bộ của Đội 5 (PC50) cho biết, thủ đoạn của loại tội phạm này rất tinh vi và có tổ chức, dàn dựng kịch bản rất công phu hòng làm cho người dân tin rằng họ đang nói chuyện với cơ quan công an để dễ dàng thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Đường dây tội phạm kiểu này thường có tổ chức và phân công từng nhóm thực hiện hành vi lừa đảo chuyên nghiệp, khiến cơ quan công an gặp không ít khó khăn trong quá trình điều tra. Kịch bản của các đối tượng được chuẩn bị rất cẩn thận, đối tượng sẽ thông báo người bị hại nợ cước viễn thông thuộc một tỉnh khác, ví dụ, đối với những người ở TP Hồ Chí Minh thì nợ cước ở Hà Nội và ngược lại, để người bị hại không thể đến tận nơi để xác minh có nợ cước hay không. Khi đối tượng yêu cầu người bị hại nối máy với cơ quan công an “giả”, đầu dây bên kia sẽ có sẵn tiếng còi hú của cảnh sát, tiếng phát biểu như đang họp án… để thuyết phục người bị hại.

Các đường dây lừa đảo này cũng hoạt động rất chuyên nghiệp, thường chia làm 3 nhóm. Nhóm thứ nhất chịu trách nhiệm xây dựng hệ thống tổng đài giả để lừa người dân; nhóm thứ hai chuyên gặp gỡ sinh viên, đề nghị lập tài khoản ngân hàng đứng tên các sinh viên này và mua lại thẻ với giá 1 - 1,8 triệu đồng/thẻ. Mỗi thẻ chỉ sử dụng một lần, sau khi rút tiền sẽ không bao giờ sử dụng lại. Việc này gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan điều tra bởi khi truy lùng theo dấu vết các giao dịch và thông tin trên thẻ ATM thì chủ thẻ thực chất lại là người được bọn tội phạm thuê mở thẻ. Cuối cùng, nhóm thứ ba sẽ dùng thẻ đứng tên người đã được thuê mở thẻ rút tiền ở các cây ATM. Do đó, ngay cả khi đã bắt giữ được các đối tượng thực hiện hành vi rút tiền, cơ quan công an cũng chưa thể triệt phá được cả đường dây lừa đảo.

Được biết, sau khi phát hiện được quy luật hoạt động, xác định vị trí bọn tội phạm thường xuyên rút tiền, các chiến sĩ Đội 5 (PC50) đã phải dày công mật phục, tổ chức “đón lõng” đối tượng vừa cho thẻ vào cây ATM thì ập vào bắt quả tang. Ngoài hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Việt Nam, PC50 cũng phát hiện nhóm tội phạm này cũng tiến hành những hoạt động tương tự tại Malaysia. Theo phán đoán ban đầu, đây có thể là một ổ nhóm quốc tế, hiện cơ quan công an đang tiếp tục điều tra làm rõ quy mô và hệ thống của đường dây lừa đảo này.

Bài 2: Dùng thẻ ATM giả chiếm đoạt tiền ngân hàng