Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những ngân hàng lợi nhuận “siêu khủng” năm 2018

Theo VOV.VN/VTCnews
Chia sẻ Zalo

Hàng loạt ngân hàng công bố kết quả kinh doanh năm 2018 với lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay.

“Độc cô cầu bại” VietcomBank
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VietcomBank, mã chứng khoán VCB) bứt tốc mạnh mẽ và trở nên không có đối thủ trong cuộc đua lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2018.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4, VietcomBank đạt 18.299,8 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Cùng kỳ năm trước, nhà băng này đạt tổng lợi nhuận trước thuế 11.341 tỷ đồng. Như vậy, VietcomBank tiếp tục giữ ngôi quán quân lợi nhuận toàn ngành trong năm vừa qua với mức tăng trưởng đạt 61,3%.
 Lợi nhuận sau thuế trong năm 2018 của VietcomBank là 14.657 tỷ đồng, tăng 60,8% so cùng kỳ năm trước.
Nhiều ngân hàng đạt lãi khủng trong năm 2018.
Trong năm 2018, thu nhập lãi thuần của VietcomBank đạt 28.409 tỷ đồng, tăng 29,5%; lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 3.401 tỷ đồng, tăng 34%; lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt 2.266 tỷ đồng, tăng 10,9%; lãi thuần từ hoạt động đầu tư chứng khoán đạt 120 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 19,7 tỷ đồng.
Cũng trong năm qua, VietcomBank đã đẩy mạnh thu hồi nợ xấu và nợ đã xử lý dự phòng rủi ro. Nhờ đó, nợ dưới tiêu chuẩn đã giảm từ 684 tỷ đồng xuống còn 286 tỷ đồng, tương đương giảm 58%; nợ nghi ngờ giảm từ 3.584 tỷ đồng xuống còn 1.161 tỷ đồng, tương đương giảm 67,6%. Tuy nhiên, nợ có khả năng mất vốn lại tăng từ 1.940 tỷ đồng lên 4.767,5 tỷ đồng, tương đương 282%.
“Cú sốc” TechcomBank
Với lãi trước thuế trên 10.661 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (TechcomBank, mã chứng khoán TCB) chính thức góp mặt vào những ngân hàng có lợi nhuận cao nhất ngành.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4 và cả năm 2018, thu nhập lãi thuần của TechcomBank tăng 25% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 11.127 tỷ đồng.
Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 3.536 tỷ đồng, giảm 10%. Hoạt động kinh doanh ngoại hối lãi gần 234 tỷ đồng, giảm 16%. Lãi thuần từ mua bán chứng khoán kinh doanh đạt hơn 168 tỷ đồng, giảm 58%. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lãi gần 757 tỷ đồng, giảm 12%. Các hoạt động khác cũng mang lại lãi ròng gần 1.634 tỷ đồng, giảm 5%.
Trong năm, chi phí hoạt động nhà băng này tăng 21% so với năm trước, ghi nhận gần 5.843 tỷ đồng. Riêng trong quý 4 tăng 36% so với cùng kỳ, ghi nhận gần 2.109 tỷ đồng.
Trong khi đó, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 49% so với năm trước, chỉ còn hơn 1.846 tỷ đồng. Riêng trong quý 4 giảm đến 94%, chỉ còn gần 60 tỷ đồng.
Kết quả, lợi nhuận trước và sau thuế của TechcomBank đạt hơn 10.661 tỷ đồng và 8.474 tỷ đồng, tăng 33% và 31% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong quý 4, nhà băng này lãi trước và sau thuế gần 2.887 tỷ đồng và gần 2.265 tỷ đồng, giảm làn lượt 10% và 11% so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến ngày 31/12/2018, tổng tài sản của TCB đạt hơn 321.049 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 18% so với cùng kỳ đạt 201.471 tỷ đồng. Cho vay khách hàng suýt soát cùng kỳ năm trước, ghi nhận 159.942 tỷ đồng.
Nợ xấu ngân hàng tăng nhẹ 8% lên 2.803 tỷ đồng. Trong khi nợ dưới tiêu chuẩn giảm 59% thì nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn tăng. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng lên 1,75% so với mức 1,61% hồi đầu năm.
Bản lĩnh “ông lớn” BIDV
Năm 2018, mặc dù gặp nhiều biến động nhưng theo báo cáo tài chính vừa công bố, năm 2018, lợi nhuận trước thuế hợp nhất Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV, mã chứng khoán BID) vẫn đạt trên 9.625 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2017.
Tính đến 31/12/2018, tổng tài sản BIDV đạt gần 1,3 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 9,1% so với năm 2017. Tổng nguồn vốn huy động đạt hơn 1,2 triệu tỷ đồng, tăng trưởng gần 9%. Tổng quy mô tín dụng và đầu tư đạt hơn 1,2 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 6,8%.
Lợi nhuận trước thuế riêng khối ngân hàng đạt 8.959 tỷ đồng, tăng trưởng 12%. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt trên 9.625 tỷ đồng.
Bất ngờ Agribank
Tương tự như BIDV, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng gặp nhiều khó khăn trong năm 2018 nhưng đã đạt kết quả kinh doanh khá ấn tượng với lợi nhuận trước thuế hơn 7.500 tỷ đồng.
Thời điểm 31/12/2017, tổng tài sản đạt gần 1,3 triệu tỷ đồng. Nguồn vốn đạt gần 1,2 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 11.8%. Quy mô tín dụng và đầu tư đạt trên 1,2 triệu tỷ đồng, tăng 14.6% so với năm trước.
Ngoài những “ông lớn” trên, Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank, MBB) hiện đang đạt mức lợi nhuận trước thuế trên 7.000 tỷ đồng trong năm 2018, tăng 31% so với năm trước.
Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà TP Hồ Chí Minh (HDBank) cũng đạt lợi nhuận trước thuế tới 3.972 tỷ đồng, tăng 64% so với năm trước và cao hơn mục tiêu đề ra.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng đã có những kết quả khả quan với hơn 2.200 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ. Đây cũng là lần đầu tiên sau 3 năm, lợi nhuận của Sacombank quay trở lại vượt 2.000 tỷ đồng. Nợ xấu giảm về dưới 3%, trong khi từng lên mức 6,68% hồi cuối năm 2016.