Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những người hóa giải mâu thuẫn ngõ đi chung

Công Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiếp nhận thông tin một gia đình trong ngõ xây dựng lấn chiếm ngõ đi chung, thành viên tổ hòa giải Tổ dân phố Phú Nhi 2, phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây đã đến nhà xây dựng kia để trao đổi thông tin...

Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Văn Cửu, Bí thư chi bộ, thành viên tổ hòa giải Tổ dân phố Phú Nhi 2, phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây cho biết, tổ dân phố có 325 hộ với khoảng 1.000 nhân khẩu. Tổ dân phố cũng có 15 thành viên tổ hòa giải đại diện cho các ban ngành tại tổ dân phố, các thành viên rải khắp trên địa bàn tổ.

Ông Đỗ Văn Cửu, Bí thư chi bộ, thành viên tổ hòa giải Tổ dân phố Phú Nhi 2, phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây. Ảnh: Công Phương
Ông Đỗ Văn Cửu, Bí thư chi bộ, thành viên tổ hòa giải Tổ dân phố Phú Nhi 2, phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây. Ảnh: Công Phương

Ông Cửu cho biết thêm, mỗi khi có vụ việc mâu thuẫn, thành viên tổ hòa giải ở gần khu vực sẽ là người nhận biết đầu tiên hoặc thành viên khác biết có mâu thuẫn sẽ cùng thành viên ở gần đến nơi xảy ra mâu thuẫn. Sau đó, các thành viên sẽ lắng nghe, nắm bắt thông tin của hai bên mâu thuẫn. Nếu vụ việc nhỏ, các thành viên sẽ hòa giải giữa hai bên, mọi người hiểu ra và không mâu thuẫn là điều tuyệt vời nhất. Nếu hai bên mâu thuẫn không giải quyết được vấn đề, thành viên tổ hòa giải sẽ báo cho tổ trưởng tổ hòa giải, thành lập tổ hòa giải, mời cán bộ chuyên môn của UBND phường xuống cùng các thành viên tổ hòa giải, ban ngành tại địa phương để tổ chức buổi hòa giải cho các bên.

Hình ảnh người dân phản ánh về việc hàng xóm xây dựng lấn chiếm ngõ đi chung tại xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Ảnh: Công Phương
Hình ảnh người dân phản ánh về việc hàng xóm xây dựng lấn chiếm ngõ đi chung tại xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Ảnh: Công Phương

Tại buổi hòa giải ở nhà văn hóa, tổ trưởng hòa giải sẽ giới thiệu các thành viên tham gia cũng như các thành viên sẽ lắng nghe hai bên mâu thuẫn trình bày. Sau đó, cán bộ chuyên môn của UBND phường sẽ thông tin về các tài liệu, hồ sơ về đất đai tại địa phương. Tiếp theo đó, các thành viên tổ hòa giải sẽ tham gia đóng góp ý kiến và sau khi tiếp nhận các ý kiến của mọi người, hai bên mâu thuẫn sẽ cho ý kiến của mình về sự việc trên. Nếu đồng ý với góp ý của mọi người thì sẽ lập biên bản hòa giải thành còn nếu không đồng ý với góp ý thì hai bên mâu thuẫn có quyền gửi đơn lên các cấp cao hơn.

Theo ông Cửu, một vụ hòa giải liên quan đến người dân xây dựng và lấn chiếm lối đi chung, khi người dân phát hiện đã phản ánh đến tổ hòa giải. Nhận được thông tin, tổ hòa giải đã đến làm việc với gia đình lấn chiếm và nghe họ trình bày cũng như thông tin về việc họ đang lấn chiếm lối đi chung. Tuy nhiên, gia đình này vẫn khăng khăng cho rằng mình đúng nên tổ hòa giải đã thành lập tổ và mời cán bộ chuyên môn UBND phường cũng như gia đình trên đến nhà văn hóa tổ dân phố để tổ chức hòa giải. Sau khi cán bộ chuyên môn chia sẻ về bản đồ địa chính cũng như sổ đỏ của gia đình kia thì họ đã hiểu ra mình lấn chiếm ra ngõ đi chung và đồng ý tự nguyện dỡ bỏ.

Vụ thứ hai là trong ngõ đi của tổ dân phố, một gia đình muốn khu vực đường đi ở chỗ nhà mình được sạch sẽ, rộng rãi nên đã chủ động đưa chậu hoa, xây gờ để quây thành khu sử dụng riêng của nhà mình. Tuy nhiên, việc quây một phần ngõ làm phần riêng đã ảnh hưởng đến mọi người và ngõ đi chung. Do đó, tổ hòa giải đã gặp gỡ, trao đổi vì lợi ích của gia đình mình thì cũng là lợi ích của mọi người. Mọi người thuận lợi thì mình cũng thuận lợi, không thể vì lợi ích của mình mà ảnh hưởng đến tập thể, giao thông, toàn bộ tổ dân phố. Sau khi được tổ hòa giải vận động, phân tích thì người dân hiểu ra, họ không xây tường, xây gờ, hay làm ảnh hưởng đến giao thông của tổ dân phố.

"Mỗi khi hòa giải thành, chúng tôi cảm thấy công việc của mình thật ý nghĩa, công việc đó đã giúp giữ lại tình đoàn kết của người dân, giảm thiểu mâu thuẫn, giúp mọi người vui vẻ, sống chan hòa bên nhau" - ông Đỗ Văn Cửu tâm sự.