Như những chú ong thợ
6 giờ sáng, theo chân chị Phạm Thị Thanh, nhân viên Công ty CP Môi trường đô thị số 3, vừa quan sát, vừa tranh thủ trò chuyện cùng người phụ nữ đã gần 12 năm gắn bó với công việc này, chúng tôi có cơ hội hiểu thêm về cái nghề đi sớm về khuya mà lắm nỗi gian truân này. Chị Thanh bộc bạch: "Làm nghề vệ sinh môi trường vất vả, thu nhập cũng không phải là cao, mà đôi khi còn phải chịu cái nhìn thiếu thiện cảm của người khác. Lắm lúc cũng thấy tủi thân, nhưng vì miếng cơm manh áo, vì lòng yêu nghề nên đành cứ bám trụ". Quét được chừng hơn một cây số, xe rác mỗi lúc một đầy và trở nên cồng kềnh hơn, thi thoảng lên xuống dốc, chị phải nhờ tôi đẩy phụ giúp một tay, nhưng đôi tay chị vẫn thoăn thoắt đưa chổi. Mùi rác lưu cữu cũng bắt đầu bốc trong nắng, xộc vào mũi khiến tôi không khỏi cảm thấy đau đầu khó chịu.
Tưới và chăm sóc vườn hoa cây cảnh trên đường Thanh Niên. Ảnh: Tùng Nguyễn
Chào chị Thanh mà trong lòng không khỏi băn khoăn trước sự vất vả của chị trong tiết trời nắng như thiêu như đốt, tôi tới khu vực sông Lừ, đoạn giao cắt với đường Trương Định (quận Hai Bà Trưng). Trên sông, hàng chục nhân viên Xí nghiệp Thoát nước số 3 cũng đang cần mẫn với công việc nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy. Anh Phạm Văn Sử, người đã gắn bó với nghề từ năm 1987 cho biết, công việc nạo vét lòng kênh, mương vào mùa đông hay mùa hè đều rất vất vả. Mùa đông trời lạnh, dầm mình dưới nước chẳng sung sướng gì; trong khi mùa hè thì thời tiết nắng nóng, người nào người nấy mồ hôi nhễ nhại, thở không ra hơi mà hít vào thì tức ngực khó chịu. Việc nạo vét, khơi thông tại những con kênh, mương xung quanh, hoặc tiếp giáp khu dân cư thường bẩn và sẽ vất vả hơn nhiều. Mương nằm sâu trong ngõ nên việc vận chuyển chất thải ra ngoài đường cũng khó khăn hơn, do xe chở chất thải không thể đi sâu vào ngõ nhỏ.
Có mặt tại đường Phạm Văn Đồng đoạn đối diện siêu thị Metro, chúng tôi được hòa mình vào nhịp độ làm việc khẩn trương của anh em cán bộ nhân viên Đội cắt tỉa cây xanh (thuộc Công ty Công viên cây xanh Hà Nội). Ba tổ công tác thuộc đội cắt tỉa cây xanh của công ty đang thực hiện việc phát quang cây cối trên đoạn đường này chuẩn bị đón mùa mưa bão đang tới gần. Mồ hôi chảy ròng ròng trên khuôn mặt sạm đen dưới tiết trời nóng ran, anh Nguyễn Đình Tiến, người đã có 18 năm trong nghề, hiện là Tổ phó tổ 5 - Đội cắt tỉa cây xanh (Công ty Công viên cây xanh Hà Nội) cho biết, nghề cắt tỉa cây xanh hầu như chỉ có nam giới, nữ giới không làm được vì rất vất vả và nguy hiểm.
Công việc của đội ngũ nhân viên cắt tỉa cây xanh thường kéo dài từ 7giờ sáng tới 5 giờ chiều. Tuy nhiên, vào mùa mưa bão, cán bộ nhân viên công ty thường phải làm tăng ca, thay phiên nhau trực cả ban đêm để kịp thời xử lý nhanh các trường hợp cây xanh gẫy đổ do mưa to gió lớn, gây mất an toàn cho người đi đường. "Có nhiều hôm cả ngày không được gặp con vì đi làm sớm, lại về khuya. Đôi lúc cũng thấy rất thương lũ trẻ…" - anh Tiến tâm sự. Khi mùa mưa bão đang cận kề, công việc của các anh cũng có phần bận rộn hơn. Tuy vậy, ai cũng trong tâm thế sẵn sàng căng sức đón mùa mưa bão sắp tới.
Hiểm nguy rình rập
Cần mẫn làm việc, những công nhân vệ sinh môi trường đôi khi quên cả những hiểm nguy rình rập xung quanh. Một gã say rượu, một chiếc taxi phóng nhanh, một chiếc xe trọng tải lớn… tất cả đều ẩn chứa những mối nguy hiểm có thể đe dọa sự an toàn tính mạng của những người công nhân này. Bởi thế mà có chuyện nhân viên trong nghề truyền tai nhau câu nói, làm công việc này phải chú ý: Tai nghe, mắt ngóng, tay đưa (chổi quét), để kịp tránh né những chiếc xe đang lao ngược chiều vun vút trên đường.
Công nhân Xí nghiệp Thoát nước số 3 đang nạo vét lòng sông Lừ.
Ngoài rủi ro tai nạn thường trực, việc nhiều chị em sau một thời gian làm nghề bị mắc chứng đau đầu kinh niên, viêm khớp mãn tính (do bê vác nặng), hoặc các bệnh liên quan tới đường hô hấp… không hề hiếm. So với công việc vệ sinh môi trường, nghề cắt tỉa cây xanh và nạo vét kênh mương cũng vất vả không kém, đặc biệt là vào những ngày trời nắng nóng hoặc mưa to gió lớn. Theo lời kể của anh Nguyễn Đình Tiến, năm 2003 có một trường hợp công nhân tử vong vì điện giật. Từ đó đến nay, dù không có thêm trường hợp tai nạn thương tâm nào, nhưng với anh Tiến và nhiều đồng nghiệp khác, đó vẫn là một nỗi ám ảnh khôn nguôi. Việc cheo leo trên cây để thực hiện những công đoạn cắt tỉa, phát quang không gian cây xanh cũng rất nguy hiểm nên thường chỉ những người có kinh nghiệm lâu năm mới được giao thực hiện nhiệm vụ này.
Anh Nguyễn Văn Hội, Tổ phó tổ 1 - Đội mương (Xí nghiệp Thoát nước số 3), người đã làm nghề thoát nước 34 năm chia sẻ: Những trường hợp công nhân nạo vét kênh mương bị dẫm hoặc quờ tay vơ trúng mảnh sành, que sắc nhọn… nên việc chân tay chảy máu trong quá trình làm việc không phải là ít. Dù hàng chục năm qua chưa có trường hợp nào nguy hiểm tới tính mạng hoặc để lại di chứng, nhưng anh chị em trong đơn vị luôn cố gắng nhắc nhở nhau cẩn trọng để tránh những thương tổn không may có thể xảy đến.
Công việc vất vả nhưng thu nhập của những công nhân vệ sinh môi trường, nạo vét kênh mương và cắt tỉa cây xanh không phải là cao. Thu nhập trung bình của một nhân viên chỉ vào khoảng 3 - 5 triệu đồng/tháng. Nhân viên mới vào nghề được hưởng lương hệ số 1,78 (tương đương 1.869.000 đồng/tháng), sau 3 - 4 năm mới được tăng hệ số thêm 0,3 (khoảng 315.000 đồng). "Mùa hè, trời nắng nóng, người "háo" nước, đâm ra tiền nước uống cũng tốn kém hơn. Lương dăm ba triệu mà chi phí nước nôi mỗi tháng cũng ngót ngét nửa triệu rồi", anh Trần Ngọc Long, nhân viên Tổ 5 - Đội cắt tỉa cây xanh (Công ty Công viên cây xanh Hà Nội) nói.
Dù mức lương nhận được hiện khá thấp nhưng hầu hết anh chị em không thể làm thêm bất cứ công việc nào để kiếm thêm thu nhập, phần vì thời gian biểu làm việc đã chật kín, thứ nữa là công việc hiện tại đã rất vất vả, không còn hơi sức đâu để tính đến chuyện "tay trong tay ngoài".
Tìm vui với nghề
Với hy vọng tìm kiếm một công việc tốt hơn trong tương lai, không ít người cố gắng dành thời gian rảnh rỗi để đi học bổ túc nâng cao kiến thức. Dù cuộc sống hiện tại bận rộn nhưng niềm tin vào sự đổi thay trong tương lai luôn hiện hữu trên khuôn mặt những người công nhân cần mẫn này.
Đường phố xanh - sạch - đẹp nhờ sự đóng góp rất lớn của công nhân vệ sinh môi trường.
Chúng tôi gặp anh Lê Minh Tiến, 29 tuổi, khi anh đang tất bật vận chuyển những cành cây to sụ lên xe tải. Anh Tiến hiện là công nhân Đội cắt tỉa cây xanh (Công ty Công viên cây xanh Hà Nội). Lấy vạt áo chấm mồ hôi chảy đầm đìa trên khuôn mặt, anh Tiến tâm sự: Rời Hải Dương năm 2011, anh ra Hà Nội thuê trọ và làm đủ thứ nghề để kiếm sống. May mắn đến khi anh được nhận vào tập sự và làm việc trong đội cắt tỉa cây xanh. Dẫu vậy, anh vẫn khát khao có được một tấm bằng đại học với hy vọng một ngày không xa có thể tìm được một công việc bớt nhọc nhằn và có thu nhập tốt hơn. Hiện tại, ngoài thời gian làm việc ở công ty, anh đăng ký theo học tại chức ngành tại trường ĐH Thương mại.
Cũng giống anh Tiến, cách đây chừng hai năm, anh Nguyễn Văn Vinh vẫn còn là nhân viên nạo vét kênh mương thuộc Xí nghiệp Thoát nước số 3. Trong quá trình làm việc tại đây, anh Vinh theo học trung cấp kỹ thuật và hiện đã được điều động sang làm việc tại Phòng Kỹ thuật thuộc Tổ 3 - Đội mương của xí nghiệp. Công việc của một nhân viên kỹ thuật như anh Vinh hiện nay vừa bớt vất vả mà thu nhập cũng có phần khấm khá hơn.
Không chỉ anh Tiến, anh Vinh, trong đội ngũ hàng ngàn nhân viên vệ sinh môi trường, nạo vét kênh mương, cắt tỉa cây xanh… còn có rất nhiều anh chị em nuôi khát vọng đổi đời nhờ học tập nâng cao trình độ. Dẫu vậy, tất cả họ vẫn không ngừng nỗ lực để hoàn thành tốt nhất công việc được giao, đó là tạo dựng, giữ gìn nét hiện đại và xanh - sạch - đẹp cho thành phố mỗi ngày.
Những đóng góp tưởng chừng như nhỏ bé của đội ngũ công nhân viên các ngành vệ sinh môi trường, thoát nước, chiếu sáng, cây xanh… ai cũng có thể nhận thấy, nhưng không phải ai cũng có thể thấu hiểu sự vất vả, hy sinh của họ. Nhưng dù ánh nhìn của xã hội có thế nào đi chăng nữa thì với những con người đang cống hiến thầm lặng cho việc tô điểm thành phố thì điều đó không quá quan trọng. Giống như cách một nhân viên vệ sinh môi trường đã nói với chúng tôi trước lúc chia tay: "Chỉ cần thấy đường phố sạch đẹp nhờ có công sức đóng góp của mình là chúng tôi thấy vui lắm rồi…".