Nhiệm vụ cứu hộ
Được thành lập từ năm 1996, cho đến nay, Trung tâm Cứu hộ ĐVHD (Trung tâm) là đơn vị đầu tiên và duy nhất trên cả nước thực hiện chức năng cứu hộ, bảo tồn, nhân nuôi sinh sản, tổ chức nghiên cứu khoa học, phục vụ tham quan, học tập, quan hệ trong nước và quốc tế trong việc nghiên cứu, bảo tồn, trao đổi, cung cấp ĐVHD các thế hệ sau (F2). Theo Giám đốc Trung tâm Ngô Bá Oanh, cái khó của người làm công tác cứu hộ là chưa có trường lớp dạy, đào tạo chuyên nghành về các nhiệm vụ liên quan. Với nhân lực trên dưới 30 người, hàng năm Trung tâm đã tiếp nhận, cứu hộ, phòng trị bệnh, phục hồi sức khỏe, tổ chức thả ĐVHD về môi trường tự nhiên và chuyển giao sau cứu hộ nhiều đợt với một khối lượng công việc rất lớn. Cụ thể, trong năm 2017 Trung tâm đã tiếp nhận 73 vụ với 1.347 cá thể ĐVHD và trên 56kg rắn các loại. So với năm 2016, năm 2017 công tác tiếp nhận đã tăng 20 vụ, với 892 cá thể và hơn 48kg rắn.
|
Chim được nuôi nhốt trong nhà phủ bạt kín tránh rét. Ảnh: Hữu Lạc |
Cùng trong năm, Trung tâm đã tổ chức tái thả ĐVHD về môi trường tự nhiên sau cứu hộ hai đợt với 85 cá thể. Bên cạnh đó, Trung tâm đã tổ chức tiêu hủy theo quy định tại Thông tư Liên tịch số 27/2013/TTLT-BTNMT-BNNPTNT ngày 26/9/2013 của Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT quy định xác định tiêu chí loài xâm hại và ban hành danh mục loài ngoại lai xâm hại một đợt với 1.020 cá thể. Ngoài các hoạt động trên, năm 2017, Trung tâm đã nhân nuôi sinh sản được 3 con hổ, 1 con vượn đen má trắng đến nay đều phát triển tốt đã được nhập đàn. Hiện tại số ĐVHD đang cứu hộ, bảo tồn tại Trung tâm là 220 cá thể và 12kg rắn các loại.
Không chỉ là trách nhiệmGiám đốc Trung tâm Ngô Bá Oanh cho rằng, để tiếp cận chăm sóc, kiểm tra sức khỏe cho các loài vật là cả một vấn đề. Nguyên tắc đầu tiên là phải an toàn tuyệt đối không được để xảy ra bất cứ sơ xuất nào có thể gây nguy hiểm cho người và gây ảnh hưởng tới sức khỏe loài vật. Do đó, đòi hỏi người thực hiện sự nghiêm túc, trách nhiệm, sự am hiểu và cả tình thương đối với các loài vật. Nếu không kiên trì, nhiệt tình và yêu nghề thì không thể thực hiện được. Chỉ riêng bữa ăn của các con vật tại Trung tâm cũng rất nhiều thực đơn khác biệt. Hổ thì phải có thịt tươi, ngon. Gấu, khỉ thì cơm gạo nấu chín và hoa quả. Các loài chim, rắn mỗi loài một thực đơn khác mà không đáp ứng sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của chúng...
Bác sỹ thú y Trịnh Thị Thu Hằng là người thường xuyên chăm sóc theo dõi sức khỏe cho các con vật ở đây kể, có lần cả Trung tâm phải thức đêm tìm cách cứu sống con hổ nhỏ bị bệnh kiết lỵ bỏ ăn nên kiệt sức. Mọi người phải thức suốt đêm tập trung theo dõi từng hơi thở thoi thóp của nó. Người thì tra cứu tài liệu trên mạng tìm phương án cứu chữa, người thì tìm cách đổ sữa, cháo với quyết tâm phải cứu bằng được con hổ. Mới đây, Trung tâm tiếp quản một số diệc mỏ vằn và hồng hoàng từ Công an huyện Thanh Trì chuyển giao. Ngay khi tiếp nhận, cả Trung tâm lại lao vào tìm hiểu tập tính sinh hoạt của chúng để có phương án chăm sóc tốt nhất. “Bây giờ thì ổn rồi! Lũ chim rất khỏe mạnh và dần thân thiện với người chăm sóc” - Hằng kể rồi nhoẻn nụ cười tươi rói. Để có kết quả ấy, Hằng và đồng nghiệp đã phải hàng ngày, hàng giờ ngồi quan sát từng bước di chuyển, cách hít thở để nhận biết chúng có bị bệnh hay không…
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả nhưng một trong những mong muốn lớn nhất của Giám đốc Trung tâm Ngô Bá Oanh là có đủ điều kiện để nuôi nhốt bán hoang dã trước khi thả động vật về thiên nhiên. Đây là khâu hết sức quan trọng để động vật quen dần với môi trường tự nhiên sau một thời gian dài bị nuôi nhốt. Mặc dù nhiệm kỳ qua, HĐND TP Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch chi tiết mở rộng Trung tâm trên diện tích khoảng 12ha đất đồi núi rừng kết hợp nuôi nhốt ĐVHD nhưng đến nay, dự án này vẫn chưa được triển khai!