Những người truyền cảm hứng

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay 20/11 - ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày toàn xã hội tôn vinh những đóng góp cao cả của các thế hệ nhà giáo đã và đang đứng trên bục giảng, truyền đạt tri thức, kỹ năng, đạo làm người cho bao lớp học trò.

Luôn miệt mài sáng tạo
Năm học 2017 – 2018 ngành GD&ĐT Hà Nội tiếp tục đạt được những thành tựu, tạo những bước chuyển rõ nét về chất lượng và hiệu quả giáo dục. Đóng góp vào thành tích chung của ngành là các cán bộ, quản lý, giáo viên dạy giỏi, cô nuôi giỏi của ngành…Tiêu biểu là cô giáo Nguyễn Thị Như Duyên – Chủ tịch Công đoàn trường Mầm non Phong Vân (Ba Vì) đã áp dụng nhiều sáng kiến mang lại hiệu quả cao. Ngoài công việc chuyên môn, cô thành lập những câu lạc bộ múa cho học sinh (HS) mầm non và tiểu học để giúp các em rèn luyện sức khỏe; chăm lo, quyên góp, ủng hộ cho các em có hoàn cảnh khó khăn. Với những kết quả đã làm được, cô Duyên được Công đoàn Ngành trao tặng giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo năm 2018”.
Cô Lê Thị Hồng Phượng – Giáo viên trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội đoạt giải Nhất tại Hội giảng giáo dục dạy nghề năm 2018. Ảnh: Thủy Trúc
Trong Lễ kỷ niệm 36 năm ngày Nhà giáo Việt Nam do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức, cô Nguyễn Thị Thu Hảo – Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Văn Tám (Hai Bà Trưng) được trao giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo năm 2018”. Gánh vác nhiều trách nhiệm nặng nề nhưng cô Hảo luôn quan tâm đến hoạt động đổi mới sáng tạo của giáo viên và HS bằng những công việc cụ thể, như chỉ đạo và tổ chức mô hình sáng tạo “Em yêu môi trường Thủ đô”, “Em là Nhà khoa học nhí”, Ngày hội nhà bác học tương lai”… Với vai trò Hiệu trưởng, cô Hảo tạo mọi điều kiện, khích lệ giáo viên và HS tham gia Hội thi sáng tạo thanh thiếu niên cấp TP, cấp quốc gia… HS trường Lê Văn Tám đã đạt giải Đặc biệt cấp TP và giải Nhì quốc gia sản phẩm “Ba lô siêu nhân giải cứu thế giới”... Đó còn là cô giáo Hồ Thị Hường – trường Tiểu học Đông Ngạc A (Bắc Từ Liêm) tổ chức “Ngày hội tiếng Anh”, “Toàn trường nói tiếng Anh”...; thiết kế phần mềm cho HS, tạo điều kiện cho các em có thể ôn luyện tiếng Anh trên điện thoại ở bất cứ nơi nào…

Bằng tâm huyết với nghề, các thầy cô đã tìm ra nhiều phương pháp giảng dạy cho những môn học “khó nhằn” như: Phương pháp "học Văn thông qua trải nghiệm" của cô Nguyễn Kim Anh – trường THPT Phan Huy Chú; phương pháp “Kỷ luật tích cực” trong môn Giáo dục công dân của cô Dương Thu Trang – trường THPT Hồ Xuân Hương… Trong khi đó, với mong muốn HS sẽ có những trải nghiệm thú vị đối với môn Vật lý, cô giáo Nguyễn Thị Mai (trường THCS Cầu Giấy) đã bỏ công sức nghiên cứu và thiết kế ra hệ thống phối hợp các máy cơ đơn giản, bộ thí nghiệm nghiên cứu lực điện từ, bộ thí nghiệm chưng cất nước… Cùng với các phương pháp dạy học mới, cô Mai cũng muốn tạo cơ hội cho HS tự chế tạo ra các sản phẩm để khơi dậy tiềm năng sáng tạo các em.

Đam mê với sự nghiệp trồng người

Ở lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN) năm học 2017 – 2018 TP đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của toàn TP Hà Nội lên 60,66% vào năm 2017. Để tạo nên kết quả này, có sự đóng góp rất lớn của các đơn vị GDNN và đặc biệt là đội ngũ giảng viên, giáo viên đào tạo nghề. Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Thị Thanh Nhàn cho rằng, năm 2018, điểm nhấn đối với đội ngũ GDNN Thủ đô là tham dự Hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc năm 2018. Hà Nội giành giải Nhất toàn đoàn và 28 nhà giáo tham dự đều đạt giải. Nhưng, cái được lớn nhất đó là cơ hội thuận lợi để các nhà giáo GDNN Hà Nội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và trình độ chuyên môn. Và, các phương pháp dạy học mới, hiện đại… sẽ được nhiều nhà giáo GDNN áp dụng trong những giờ dạy nghề ở trên lớp, xưởng thực hành để giúp người học tiếp cận nhanh, cũng như sớm hòa nhập được vào thị trường việc làm đầy sôi động.

Nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ gửi thư chúc mừng cán bộ, giáo viên, nhân viên đã và đang công tác trong ngành giáo dục. Trong thư, Bộ trưởng  khẳng định, đóng góp vào thành tích chung  của ngành Giáo dục đó là sự cống hiến hết mình của đội ngũ cô giáo, thầy giáo, cán bộ quản lý, nhân viên trong toàn ngành.  Nghề giáo luôn là nghề cao quý và người thầy luôn giữ vai trò vô cùng quan trọng trong sự nghiệp phát triển GD&ĐT.       
Chứng kiến những buổi trình diễn bài giảng của các nhà giáo đến từ nhiều cơ sở GDNN của Thủ đô, mọi người thấy được sự tận tâm, tâm huyết với nghề. Bình thường, công việc đào tạo nghề vốn rất cực và trước cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, đội ngũ nhà giáo GDNN càng đứng trước nhiều thử thách. Không thể dạy theo giáo trình soạn sẵn, nhà giáo dạy nghề phải biết ứng dụng công nghệ 4.0 trong từng bài giảng và phải luôn cập nhật những công nghệ mới để thông tin tới người học. Cũng giống như giáo dục phổ thông, mọi hoạt động của GDNN đều xoay quanh và lấy người học làm trung tâm. Vì thế giáo viên dạy nghề phải biết dựa vào năng lực người học để thiết kế bài giảng phù hợp. Chia sẻ về nghề Lái xe ô tô mà mình đã gắn bó 15 năm, thầy Phan Văn Hoàng đến từ trường Cao đẳng Giao thông Vận tải T.Ư 1 bộc bạch: Tôi đã trải qua nhiều công việc trong cuộc đời nhưng sẽ theo đuổi dạy nghề Lái xe ô tô đến cùng bởi niềm đam mê với chiếc vô lăng. Đặc biệt, mỗi khi chứng kiến các học viên từ chỗ chưa có kiến thức và kỹ năng lái xe nhưng sau khóa học đã điều khiển được chiếc ô tô trên mọi cung đường, thầy Hoàng lại càng có thêm động lực. “Dạy nghề Lái xe chủ yếu là thực hành, tôi phải tìm thêm những phương pháp đào tạo khác nhau để áp dụng phù hợp cho từng người học” – thầy Hoàng chia sẻ.

Giáo viên dạy nghề không chỉ dạy lý thuyết mà phải xắn tay vào thực hành làm việc để chỉ cho người học thấy được vấn đề. Nhận biết được việc này, nhiều giáo viên trẻ vẫn không quản ngại, ấp ủ niềm đam mê và luôn có những giờ giảng hấp dẫn người học. Đó là thầy giáo Trần Tuấn Anh – Giảng viên dạy nghề Công nghệ Ô tô, cô Đinh Thị Mùi – Giảng viên khoa Điện – Điện tử của trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội đã xuất sắc giành giải Nhất Hội giảng Nhà giáo GDNN toàn quốc 2018 với số điểm rất cao. "Mỗi khi nhận được tin nhắn của sinh viên ra trường thông báo tìm được việc làm thu nhập cao, tôi lại có thêm động lực để gắn bó và đam mê với nghề dù biết rằng phía trước còn những khó khăn”- cô Mùi nhấn mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần