Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những nguyên nhân khiến giá vàng trong nước tăng cao

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong khi giá cả thế giới và trong nước đều tăng, VND mất giá là điều chắc chắn trước mắt, người dân phải tìm đến vàng và USD như một giải pháp bảo toàn tài sản.

KTĐT - Trong khi giá cả thế giới và trong nước đều tăng, VND mất giá là điều chắc chắn trước mắt, người dân phải tìm đến vàng và USD như một giải pháp bảo toàn tài sản.

Thứ nhất, do giá vàng thế giới tăng. Giá vàng thế giới tăng do tình hình chính trị ở Trung Đông bất ổn. Các nhà đầu tư trên thế giới có xu hướng cắt giảm đầu tư vào khu vực này.

Trong khi những thứ khác không chắc chắn, họ đem vốn định đầu tư vào đó mua vàng. Vàng là kênh giữ trạng thái tiền tệ. Nhất là các tổ chức đầu tư theo danh mục, họ phải làm phép tính cân đối giữa cổ phiếu, trái phiếu, vàng… Thứ nữa, giá tăng là do người dân ở các nước tăng cường mua vàng như một giải pháp ứng phó với làn sóng lạm phát toàn cầu, đặc biệt là người dân Trung Quốc.

Nhu cầu vàng của người dân Trung Quốc tăng nhanh hơn dự đoán của chuyên gia kinh tế, do CPI nước này đang tăng cao. Khi giá vàng vượt ngưỡng kháng cự 1.373 USD/ounce, có nhu cầu thật hỗ trợ, giới đầu cơ nhảy vào, đẩy giá tiếp.

Thứ hai, nếu VND không bị phá giá tới hơn 9%, chênh lệch tỷ giá VND/USD giữa thị trường chính thức và thị trường chợ đen không quá lớn như hiện nay, thì dù giá vàng thế giới có tăng, giá trong nước cũng không bị khuếch đại đến mức như vậy. Biến động giá vàng trong nước tương quan với biến động tỷ giá trên thị trường chợ đen.

Thứ ba, là do tâm lý người dân. Trong khi giá cả thế giới và trong nước đều tăng, VND mất giá là điều chắc chắn trước mắt (nhiều người còn dự đoán sẽ còn mất giá tiếp), người dân phải tìm đến vàng và USD như một giải pháp bảo toàn tài sản, trong đó đối với USD, thường chỉ dân thành thị hướng tới.

Dễ thấy là trong cơn sốt giá hiện nay, bóng dáng tham gia thị trường chủ yếu là người dân với nhu cầu nhỏ lẻ. Thực ra là giới đầu cơ, với ưu thế về thông tin và khả năng phân tích, đã gom vàng, USD từ trước, khi kỳ vọng về chuyện phá giá VND chưa thành hiện thực. Giờ là lúc họ tuỳ tình hình mà “xả” ra dần để thu lợi.

Giới điều hành chính sách nói rằng diễn biến thị trường hiện nay là do tâm lý của người dân nhưng ai, điều gì tạo ra tâm lý này? Quyết định điều chỉnh tỷ giá ra từ 11.2, đáng lẽ phải đi kèm với các giải pháp đồng bộ khác của Chính phủ mới phát huy tác dụng, giảm thiểu hệ quả và quan trọng là củng cố niềm tin.

Những gì mà một số thành viên Chính phủ phát biểu trên báo chí, ví dụ sẽ cắt giảm đầu tư công, có thể giải quyết tạm thời phần nào tình hình lạm phát, còn căn cơ hơn thì phải thực hiện tái cơ cấu theo hướng, ví dụ như cải cách triệt để doanh nghiệp nhà nước.

Cần sớm có một nghị quyết về kế hoạch hành động của Chính phủ đối với tình hình bất ổn hiện nay, nhằm tạo được niềm tin, thì giới đầu cơ sẽ xả hàng ra nhanh hơn, giá sẽ xuống nhanh hơn. Điều này còn tuỳ thuộc giá thế giới nhưng ít nhất, yếu tố tâm lý được loại trừ hoặc giảm thiểu.