1. Prometheus
Kinh phí: 130 triệu USD
Doanh thu: 402,4 triệu USD
Prometheus là một bộ phim đáng được mong chờ. Đạo diễn phim là Ridley Scott, cha đẻ của series phim giả tưởng nổi tiếng Alien. Damon Lindelof, tác giả của loạt phim truyền hình ăn khách Lost, đảm nhiệm phần kịch bản. Bên cạnh đó dàn diễn viên tên tuổi như Charlize Theron, Michael Fassbender, Guy Pearce… và một khoản kinh phí lớn. Nhưng khi ra mắt, bộ phim không hấp dẫn như kỳ vọng. Người xem có quá nhiều thắc mắc về nội dung Nhiều nhà phê bình đánh giá Prometheus là một đống lộn xộn với nhiều câu hỏi không được giải đáp.
2. Cloud Atlas
Kinh phí: khoảng 100 triệu USD
Doanh thu: 62,8 triệu USD
Đây là bộ phim được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết ăn khách cùng tên của David Mitchell. Với cốt truyện dày đặc và phức tạp cùng một thông điệp mang tính triết học, Cloud Atlas đòi hỏi người xem phải có một cái nhìn đa chiều. Đây có thể là một trong những bộ phim hay nhất trong năm theo đánh giá về mặt chuyên môn nhưng lại thất bại trong việc kết nối với người xem.
3. John Carter
Kinh phí: 250 triệu USD
Doanh thu: 282,7 triệu USD
John Carter ra đời từ 100 năm trước trong bộ truyện tranh của nhà văn Edgar Rice Burroughs. Đây là nhân vật siêu anh hùng đầu tiên của thế giới giả tưởng nhưng lại “sinh sau đẻ muộn” nhất trên màn ảnh rộng. Với kinh phí sản xuất khổng lồ là 250 triệu USD, còn vượt cả siêu bom tấn Avatar, bộ phim nhận được sự kỳ vọng rất lớn. Tuy nhiên, các nhà làm phim đã không đưa được những yếu tố đặc sắc nhất của bộ truyện vào phim.
Cách chuyển thể trung thành với nguyên tác đã trở nên lỗi thời. Thêm vào đó, tiêu đề của bộ phim, sau khi bị thay đổi, đã không còn đáng nhớ và ấn tượng như tiêu đề gốc của bộ truyện tranh, John Carter of Mars. Ngoài ra, tháng ba chưa bao giờ là một thời điểm lý tưởng để ra mắt một phim bom tấn.
4. Battleship
Kinh phí: 209 triệu USD
Doanh thu: 302,8 USD
Trong năm qua, thật không may cho nam diễn viên Taylor Kitsch khi bộ phim thứ hai mà anh thủ vai chính (sau John Carter) cũng bị coi là một thất bại. Dựa trên một trò chơi nổi tiếng, Battleship tiếp tục khai thác đề tài quái vật ngoài hành tinh xâm lăng Trái đất nhưng đặt bối cảnh giữa biển khơi mênh mông với những chiến hạm hầm hố của Hải quân Mỹ. Tuy nhiên, phần kịch bản lại quá đơn giản và dễ đoán trước, không xứng với tầm vóc của bộ phim.
5. Brave
Kinh phí: 185 triệu USD
Doanh thu: 535,3 triệu USD
"Brave" thiếu chiều sâu hơn những bộ phim hoạt hình trước đây của Pixar.
Brave không phải là một bộ phim hoạt hình quá tệ. Ngược lại, nó là một phim giải trí dành cho gia đình rất tốt. Tuy nhiên với một tác phẩm có mác Pixar thì khán giả đòi hỏi nhiều hơn thế. Nội dung phim đi vào lối mòn dễ đoán trước, thiếu tham vọng và tính sử thi như bối cảnh phim đòi hỏi. So với các phim hoạt hình đình đám khác của Pixar như Wall-E, Up, The Incredibles hay Toy Story 3 thì Brave còn kém khá xa.
6. Snow White and The Hunstman
Kinh phí: 170 triệu USD
Doanh thu: gần 400 triệu USD
So với nhiều bộ phim trong năm 2012, phần hình ảnh và phục trang của Snow White and the Huntsman khá tốt, tạo hiệu ứng thị giác mạnh mẽ cho người xem. Tuy nhiên, vai trò của Chris Hemsworth bị lãng phí. Vai Thợ Săn của anh có nhiều đất diễn nhưng không được khai thác tới nơi tới chốn. Thêm vào đó, nhịp phim khá chậm chạp và phần hành động thiếu hấp dẫn.
7. Total Recall
Kinh phí: 125 triệu USD
Doanh thu: Gần 200 triệu USD
Được đầu tư kinh phí lớn với phần kỹ xảo hoành tráng nhưng nội dung của Total Recall lại khá quen thuộc và dễ đoán. Chỉ sau khoảng nửa phim, khán giả đã có thể đoán được những diễn biến tiếp theo. So với bản gốc năm 1990, Total Recall 2012 không còn mang lại được cảm giác mới lạ khi đã có quá nhiều phim khai thác đề tài này xuất sắc hơn.
Về diễn xuất, Collin Farrell có nhiều cảnh hành động kịch tính nhưng không có gì nổi bật. Cách biểu lộ cảm xúc trên gương mặt anh tương đối giống nhau bất kể đó là cảnh giận dữ, sợ hãi, lo lắng hay suy tư. Tương tự, diễn xuất của hai người đẹp Jessica Biel và Kate Beckinsale cũng không thuyết phục.
8. Taken 2
Kinh phí: 45 triệu USD
Doanh thu: 363,3 triệu USD
Sự thành công của Taken vào năm 2009 khiến rất nhiều người kỳ vọng vào phần hai của bộ phim này. Taken 2 vẫn giữ được không khí nghẹt thở, căng thẳng như phần một. Các cảnh hành động, rượt đuổi rất mãn nhãn. Bối cảnh của phim cũng rất đẹp với khung cảnh của thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng so với phần một, phần hai thiếu đi sự sâu sắc, đột phá, sáng tạo và bất ngờ. Tình tiết của phim đi theo một đường thẳng khiến Taken 2 mất “chất” đi rất nhiều.
9. Rock of Ages
Kinh phí: 75 triệu USD
Doanh thu: 56,3 triệu USD
Trước khi ra mắt, Rock of Ages được cho là sẽ tiếp bước Mamma Mia, một bộ phim ca nhạc rất ăn khách với doanh thu lên tới 610 triệu USD trên toàn cầu vào năm 2008. Nhưng thực tế, Rock of Ages gây thất vọng lớn. Việc “teen hóa” các ca khúc Rock kinh điển trong mọi tình huống khiến bộ phim bị chỉ trích là “nồi lẩu thập cẩm”. Sự góp mặt của siêu sao Tom Cruise cũng không cứu được Rock of Ages.
10. Dark Shadows
Kinh phí: 150 triệu USD
Doanh thu: 239,1 triệu USD
Đạo diễn Tim Burton vẫn gây được ấn tượng mạnh ở phần hình ảnh mang phong cách Gothic nhưng phần nội dung thiếu trọng tâm và sự chặt chẽ. Ngoài vai chính của Johnny Depp, các vai nữ xung quanh anh có vai trò nổi trội ngang nhau khiến nhiều chi tiết khiên cưỡng, bất hợp lý. Thêm nữa là sự pha trộn chưa được nuột nà nhiều thể loại như kinh dị, hài, tâm lý cũng khiến khán giả bị “loạn” khi theo dõi.