GS Klaus Schwab đã có buổi họp báo ra mắt cuốn sách "Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư" do ông là tác giả, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) tại Hà Nội (11-13/9). Tham dự sự kiện còn có Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.
Thứ trưởng Bộ ngoại giao Bùi Thanh Sơn và GS Klaus Schwab, Người sáng lập và Chủ tịch Điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới. |
Theo đó, Chủ tịch sáng lập WEF khẳng định, mục tiêu của cuốn sách, cũng như Hội nghị WEF ASEAN lần này là thu hút sự quan tâm và cung cấp hiểu biết về cuộc CMCN 4.0, khởi tạo tinh thần doanh nghiệp, đảm bảo đưa ra các chính sách để tận dụng các cơ hội cho Việt Nam và khu vực ASEAN trở thành khu vực có tính cạnh tranh caoCuốn sách đã dịch sang 29 ngôn ngữ với hơn 1 triệu bản được bán ra và xuất bản tại nhiều quốc gia. GS Klaus Schwab hy vọng cuốn sách sẽ trở thành xúc tác biến Việt Nam thành thế lực mới mới cho cuộc CMCN 4.0.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cảm ơn GS Klaus Schwab cũng như WEF đã hỗ trợ Việt Nam trong quá trình nắm bắt các cơ hội từ CMCN 4.0, với biên bản ghi nhớ Hợp tác giữa hai bên được triển khai hiệu quả thời gian qua.
Cảm ơn WEF cho phép mua bản quyền, và xuất bản cuốn sách "Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” phiên bản tiếng Việt, ông Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, CMCN 4.0 đã làm thay đổi ngành công nghiệp mạnh mẽ tác động mọi khía cạnh cuộc sống và quốc gia. Cuốn sách đã mô tả cách công nghệ thay đổi cuộc sống, phương thức làm việc và tương tác, đồng thời chia sẻ tổng quan về những đại xu thế trước mắt, phân tích những thay đổi, nhằm đảm bảo những lợi ích từ cuộc CMCN 4.0 được nắm bắt và chia sẻ. Cuốn sách là nguồn tham khảo giúp Việt Nam đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa- hiện đại hóa cũng như hạn chế những thách thức từ cuộc cách mạng này.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về Hội nghị WEF ASEAN 2018, GS Klaus Schwab nhận định WEF đã phối hợp hiệu quả với Việt Nam trong quá trình chuẩn bị Hội nghị. Với hơn 1.000 khách tham dự, đây là sự kiện có quy mô lớn nhất trong các quốc gia ASEAN, cho thấy tiềm năng to lớn của Việt Nam. Ông kỳ vọng Hội nghị sẽ hỗ trợ Việt Nam và khu vực nhận thức được các tiềm năng, làm chủ CMCN 4.0, qua đó đưa ra những chính sách phù hợp trong giai đoạn chuyển đổi và chuẩn bị cho một thời đại mới.
Nhà sáng lập WEF cũng khẳng định CMCN 4.0 là quá trình lâu dài cần nhiều nỗ lực để bắt kịp và phát triển. Trong quá trình đó phải đảm bảo con người là trung tâm của cuộc cách mạng, cân đối giữa sự phát triển công nghệ và bảo đảm các giá trị nhân văn. Giáo sư Klaus Schwab là Người sáng lập và Chủ tịch Điều hành của Diễn đàn Kinh tê'Thế giới, tổ chức quốc tế thúc đẩy hợp tác công tư. Năm 1998, ông lập ra Quỹ Schwab dành cho Doanh nghiệp Xã hội. Schwab có bằng Tiến sĩ kinh tế(summa cum laude) tại Đại học Fribourg, Tiến sĩ kỹ thuật tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ và Thạc sĩ hành chính công ở Trường Quản lý nhà nước Kennedy thuộc Đại học Harvard. Ông được trao tặng nhiều bằng danh dự cấp quốc gia và quốc tế.