Dù đã 69 tuổi, thương binh hạng 4/4 Đào Xuân Nhị ở thôn 12, xã Ea Kmút, huyện Ea Kar (Đắk Lắk) vẫn luôn hăng say lao động sản xuất và phát triển kinh tế. Hiện gia đình ông sở hữu 2 ha cà phê và 15 ha lúa nước, mang lại thu nhập hơn 500 triệu đồng mỗi năm sau khi trừ chi phí. Không chỉ giỏi làm kinh tế, ông Nhị còn là một Bí thư chi bộ đầy nhiệt huyết trong công việc.
Thương binh Đào Xuân Nhị chia sẻ: “Đôi khi những ký ức chiến tranh vẫn ùa về trong giấc mơ, mỗi khi trái gió, trở trời vết thương lại đau nhức, nhưng được vợ con động viên, tôi lại quên đi để tạo niềm tin cho gia đình cùng vươn lên”.
Để sản xuất hiệu quả trên 17 ha đất, gia đình ông Nhị đã rất nỗ lực tính toán. Các thành viên trong gia đình đều phấn đấu, các con cố gắng học tập để có công việc tốt hơn. Năm 2016, ông Nhị được Chi bộ thôn 12 tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ. Với trách nhiệm và sự gương mẫu của người Đảng viên, bản thân và gia đình ông luôn nỗ lực phấn đấu lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình và hoàn thành tốt nhiệm vụ với Đảng, với xã hội.
Hay như thương binh 4/4 Nguyễn Trọng Miền, ông cũng là tấm gương vượt lên chính mình để có được cuộc sống tốt đẹp hơn. Từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia, bị thương ở cánh tay trái, ông trở về địa phương sinh sống và lập gia đình. Đến năm 1991, ông cùng vợ con rời quê hương Thái Bình vào thôn Quảng Cư 1A, xã Ea Kmút, huyện Ea Kar để lập nghiệp.
Sau hơn 33 năm nỗ lực làm việc, ông Miền đã tích cóp, xây dựng mô hình tổng hợp trên 1,2 ha đất với các loại cây trồng mang lại giá trị cao như sầu riêng, tiêu, lúa nước và kết hợp chăn nuôi bò, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. 3 người con của ông đều nỗ lực học giỏi và có công việc ổn định.
Thương binh Nguyễn Trọng Miền chia sẻ: “Do hoàn cảnh gia đình nên tôi đã dời quê hương Thái Bình vào đây lập nghiệp, xem Đắk Lắk là quê hương thứ 2. Khi đó cuộc sống còn nhiều khó khăn, gia đình luôn động viên nhau cùng nỗ lực vươn lên. Di chứng chiến tranh khiến vết thương tái phát đau nhức, nhưng vợ con luôn động viên, giúp tôi vượt qua khó khăn. Nhiều lần đau nặng tôi lại đến bệnh viện để điều trị. Cuộc sống chật vật, nhưng với suy nghĩ là người lính Cụ Hồ, tôi quyết tâm vượt qua tất cả để vươn lên. Nay cuộc sống đã khá hơn nhiều”.
Toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có hơn 45.000 người có công, trong đó gần 7.000 thương binh và hơn 2.000 bệnh binh. Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cùng với nỗ lực tự vươn lên, rất nhiều tấm gương thương, bệnh binh đã trở thành chủ doanh nghiệp, chủ trang trại, các mô hình kinh tế giỏi mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Qua đó, góp phần đáng kể trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương, giải quyết việc làm cho nhiều lao động và thực hiện tốt công tác an sinh xã hội.
Ông Nguyễn Vương Thạch, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ea Kar cho biết: “Các thương, bệnh binh trên địa bàn đã thể hiện tinh thần Bộ đội Cụ Hồ "tàn nhưng không phế", nỗ lực vươn lên vượt qua nỗi đau thương tật làm kinh tế giỏi cho gia đình và có nhiều đóng góp cho cộng đồng. Các chú, các bác là tấm gương sáng cho mọi người noi theo”.