Kinhtedothi - Chiều 3/12, với 83,2% số đại biểu HĐND TP biểu quyết tán thành Quy hoạch (QH) đê điều trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm cho các công trình cao tầng và nhân dân được xây dựng hợp pháp.
Ngay sau đó, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Thanh Vân - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội xung quanh vấn đề này.
Quy hoạch đê điều TP Hà Nội đã được các đại biểu HĐND thông qua. Xin ông cho biết rõ hơn ý nghĩa mục tiêu của QH này?
- Qua khảo sát, thống kê, hiện có gần 100.000 người, với 36.000 hộ gia đình của 11 quận, huyện đang sinh sống ngoài đê và nhiều công trình khác… Lâu nay, việc quản lý Nhà nước cũng như người dân, tổ chức xây dựng nhà, công trình cao tầng ở khu vực này đều rất khó khăn. QH đê điều được HĐND TP thông qua, có ý nghĩa quan trọng sẽ giải quyết cơ bản những vướng mắc nêu trên cho người dân và thúc đẩy kinh tế - xã hội khu vực ngoài đê sông Hồng phát triển…
Theo Tờ trình (dự thảo) của UBND TP có 2 phương án thực hiện QH này?
- Quá trình nghiên cứu xây dựng QH, cơ quan nghiên cứu có tính rất kỹ Đồ án QH xây dựng cơ bản hai bờ sông Hồng của Hàn Quốc. Theo nghiên cứu QH của phía Hàn Quốc, sẽ xây dựng một con đê chịu lực mới (gọi là lăn đê) phía ngoài mép sông Hồng. Như vậy, các công trình hiện hữu cũng như nhà dân đương nhiên nằm trong đê, thì việc xây dựng (XD) trở nên bình thường. Tuy nhiên, việc này đồng nghĩa với thu hẹp dòng chảy sông Hồng. Theo tính toán của các chuyên gia, việc thu nhỏ dòng sông Hồng sẽ gây ảnh hưởng toàn bộ dòng chảy con sông, tính từ sông Đà về đến huyện Phú Xuyên (Hà Nội). Và bất khả thi ở chỗ kinh phí tốn tới 11 tỷ USD!
Phương án 2, chi phí hết khoảng 30.000 tỷ đồng, do ta nghiên cứu (gồm Bộ NN&PTNT, TP Hà Nội và các ngành chức năng). Phương án này để nguyên dòng chảy sông Hồng như hiện trạng, đồng thời XD các đê bối (nhỏ hơn đê chính), cách mép sông Hồng từ 0,5 đến 2km (tùy theo địa hình, dòng chảy...), bảo đảm kỹ thuật, an toàn cho dòng chảy sông Hồng… Ngoài ra, TP sẽ đề xuất với Bộ NN&PTNT, nghiên cứu XD đường giao thông, bảo đảm đi lại sinh hoạt trong khu vực này. Đây là điểm mới của QH.
Để QH được này triển khai, bước tiếp theo phải làm gì, thưa ông?
- UBND TP sẽ có tờ trình lên Bộ NN&PTNT và tổng hợp các ý kiến đóng góp tại kỳ họp và ý kiến phản biện của MTTQ TP để Bộ xem xét, hoàn thiện và ban hành Quyết định quy hoạch. Khi có Quyết định QH, TP sẽ triển khai QH. Trong đó, TP chủ trương là ưu tiên các khu vực nội thành cũ Hà Nội (có 37km đê sông Hồng đi qua), để giải quyết công tác XD nhà ở cho người dân và những công trình XD công cộng cao tầng cũng như các dự án đã được phê duyệt đang bị "treo" không triển khai được, như 250ha ở quận Long Biên; chống sạt lở khu vực làng nghề truyền thống Bát Tràng… Toàn bộ công việc này, các cơ quan chức năng, chuyên môn của TP Hà Nội và Bộ NN&PTNT cùng các ngành liên quan đều đã chuẩn bị sẵn sàng, và nếu thuận lợi, thì năm 2014, QH sẽ được triển khai.
Xin cảm ơn ông!