Phái đoàn cấp cao của Iran bao gồm 120 người là bộ trưởng và lãnh đạo DN. Tổng thống Iran đã dành hai ngày tại Italia trước khi bay tới Pháp vào hôm nay (27/1), với kỳ vọng “đánh bóng” uy tín ngoại giao của Tehran trong bối cảnh khu vực Trung Đông đang hỗn loạn.
Chuyến thăm châu Âu của Tổng thống Rouhani theo kế hoạch diễn ra từ tháng 11/2015, tuy nhiên phải tạm hoãn vì vụ khủng bố Paris. Tới nay, Tổng thống Rouhani đã đặt chân tới Lục địa già, nhưng với một tâm thế mới, sau khi lệnh trừng phạt kinh tế lên Tehran đã được dỡ bỏ với nỗ lực nước rút của chính quyền Mỹ và Iran.
Phương Tây từng buộc tội Iran tài trợ cho các hoạt động khủng bố, bất chấp thỏa thuận hạt nhân hoàn thành tháng 7/2015. Ngay cả Mỹ - đầu tàu thúc giục tháo “vòng kim cô” cho Iran cũng đồng ý duy trì một số lệnh trừng phạt liên quan đến cáo buộc tài trợ khủng bố và xâm phạm nhân quyền. Một mặt, Washington chưa hoàn toàn tin tưởng việc Iran từ bỏ tham vọng vũ trang hạt nhân, mặt khác, vẫn cần giữ kẽ với những đồng minh quyền lực ở Trung Đông như Israel. Tiến trình trở lại sân chơi kinh tế của Iran do đó vẫn còn những nút thắt cổ chai. Bất chấp việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt, những ngân hàng lớn trên toàn cầu chưa sẵn sàng “mở cửa” với Iran. Hiện, Tehran vẫn chưa gia nhập hệ thống thanh toán ngân hàng toàn cầu SWIFT, gây khó khăn cho những DN châu Âu muốn thâm nhập thị trường này.
Do đó, chuyến thăm của Tổng thống Iran sẽ thúc đẩy quá trình tái hòa nhập của Tehran vào các thị trường quốc tế. Ông Rouhani đang nôn nóng chứng minh, thỏa thuận hạt nhân lịch sử sẽ giải quyết được những khó khăn kinh tế kéo dài của nước này. Kết thúc chuyến thăm Italia vào ngày 26/1, hai bên đã ký các thỏa thuận trị giá 18,4 tỷ USD trên các lĩnh vực từ năng lượng tới xây dựng cơ sở hạ tầng, từ sắt thép tới đóng tàu. Lãnh đạo các tập đoàn lớn của Italia, bao gồm người đứng đầu Tập đoàn dầu lửa Eni và nhà sản xuất xe Fiat Chrysler Automobile đã tham dự quốc yến cùng Tổng thống Rouhani.
Chuyến công du Pháp của Tổng thống Rouhani dự đoán sẽ gập ghềnh hơn vì Italia không tham gia đàm phán thỏa thuận hạt nhân, khác với Pháp, vốn là một trong những quốc gia thuộc nhóm P5+1 giữ thái độ bảo thủ về vấn đề này. Paris cũng từng công khai chỉ trích hỗ trợ của Iran với Tổng thống Syria Bashar al-Assad cũng như những động thái can thiệp vào khu vực Trung Đông của Tehran. Do đó, để đạt được những thành tựu trong chuyến công du Pháp, hành trình ngoại giao của ông Rouhani sẽ gai góc và khó khăn hơn, giống như hành trình để bồi đắp lòng tin vững chắc giữa Iran và phương Tây.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani trao đổi với Thủ tướng Italia Matteo Renzi.
|