Niềm tin vào Đảng tạo sức bật cho đất nước

Trần Hà (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong suốt chặng đường 90 năm xây dựng và phát triển, Đảng luôn tự kiểm điểm nghiêm túc, nhìn thẳng vào sự thật, chỉ ra những sai lầm, khuyết điểm của mình chứ không phải chỉ nói về thành tựu, đặc biệt trong công tác cán bộ, khâu được xác định là then chốt của then chốt. Nhờ sự nghiêm túc, thẳng thắn ấy, Đảng đã lãnh đạo thành công nhiều cuộc cách mạng vĩ đại của dân tộc, củng cố niềm tin trong Nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh góp ý Đề án quy hoạch xây dựng Thủ đô tháng 11/1959. Ảnh tư liệu

Đó là quan điểm được PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị trước thềm năm mới Canh Tý 2020.
Cái gốc là công tác cán bộ
Mùa Xuân mới này, Đảng ta kỷ niệm tròn 90 năm Ngày thành lập. Là nhà nghiên cứu về lịch sử Đảng, trên chặng đường vẻ vang ấy, với ông, điều gì để lại ấn tượng sâu sắc nhất?
- Tính đến nay, Đảng ta đã trải qua chặng đường dài 90 năm. Đó là quá trình phát triển không ngừng, nhìn vào số lượng đảng viên hiện nay cũng có thể thấy một điều đáng mừng, phản ánh niềm tin sâu sắc của Nhân dân với Đảng. Là người nghiên cứu về lịch sử Đảng, tôi vô cùng tự hào về vai trò lãnh đạo của Đảng. Đảng ta đã lãnh đạo, đưa dân tộc thực hiện thành công Cách mạng tháng Tám, mở ra một thời kỳ mới cho dân tộc. Tiếp đó là chiến thắng oanh liệt trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, giành lại độc lập đất nước vào năm 1975 và sau đó là thắng lợi trong chiến tranh biên giới phía Tây Nam, biên giới phía Bắc để giữ vững chủ quyền đất nước. Rồi thắng lợi của hơn 30 năm đổi mới, với nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đưa đất nước tiến lên, phát triển và hội nhập quốc tế. Những thắng lợi mang tính chất thời đại ấy chính là thước đo cho sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân.
Đúng như Nghị quyết T.Ư 4 (Khóa XII) đã đánh giá, chưa bao giờ chúng ta có cơ đồ và vị thế như hôm nay. Có được điều đó, do nhiều nguyên nhân, như sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, sáng tạo của các lĩnh vực; phát huy được nội lực nhưng nổi bật là sự lãnh đạo của Đảng, quyết định cơ đồ, vị thế đất nước. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng có được là nhờ xây dựng Đảng và trong xây dựng Đảng lại lấy cán bộ là then chốt. Đúng như tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn, “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”, cả trong chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc cũng như trong công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước.
Tất nhiên, trong chặng đường ấy, cũng có những sai lầm, khuyết điểm nhưng trên hết, Đảng ta luôn nhìn thẳng vào sai lầm, khuyết điểm, nghiêm túc xây dựng, chỉnh đốn để sửa chữa, củng cố niềm tin của Nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng.
Như ông đã đề cập đến tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, vậy soi lại lịch sử, ông có thể phân tích rõ hơn về vấn đề này?
- Qua nghiên cứu tôi nhận thấy, để đi tới việc thành lập Đảng vào năm 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chuẩn bị về các điều kiện. Trong đó có ba điều kiện cơ bản: Chuẩn bị về lý luận cho phong trào công nhân, phong trào yêu nước; chuẩn bị về chính trị, tức là đường hướng, mục tiêu đấu tranh chính trị; chuẩn bị về tổ chức và cán bộ. Ngay từ thời điểm đó, Bác đã thấy được tầm quan trọng của công tác cán bộ, đặc biệt là đào tạo, huấn luyện cán bộ. Bác liên tục mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nòng cốt của Đảng trong thời kỳ đầu. Sau này, Bác đã rút ra một kết luận rất quan trọng, đó là “cán bộ là cái gốc của của mọi công việc, đào tạo, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”.
Không chỉ quan tâm đến đào tạo cho cán bộ về đường lối, phương pháp làm việc, phương pháp tư duy, Bác còn chú ý phê phán những biểu hiện tiêu cực của cán bộ. Ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, đã xuất hiện những tiêu cực trong cán bộ, chính quyền. Vì thế, ngày 17/10/1945, Bác đã viết thư cho các địa phương và chỉ ra những căn bệnh như bệnh cậy thế, tư túng, hủ hóa, chia rẽ, kiêu ngạo. Bác cũng thẳng thắn nêu rõ cán bộ nào vi phạm những “bệnh” đó phải nhanh chóng sửa chữa, nếu không Chính phủ và Nhân dân sẽ không dung thứ; ai chưa mắc phải thì phải tránh để không vi phạm. Bác cũng nêu ra chiến lược con người, từ đó mới đưa ra chiến lược cán bộ.
Sau này, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng dành một thời lượng lớn để nói về việc xây dựng Đảng. Người đã sớm nhìn thấy những nguy cơ về sự suy thoái đạo đức, lối sống, nguy cơ về chủ nghĩa cá nhân, gắn liền với đó là những tiêu cực khác. Người cũng cảnh báo về những nguy cơ có thể gặp phải với một Đảng sau khi giành được thắng lợi, đó là tính kiêu ngạo, sự dốt nát và tham nhũng. Những cảnh báo của Bác đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Siết kỷ luật để Đảng mạnh hơn
Trong quá trình xây dựng và trưởng thành của Đảng, ông đánh giá thế nào về việc vận dụng tư tưởng của Bác vào công tác cán bộ, cũng như những quan điểm của Đảng về công tác cán bộ hiện nay?
- Như Bác đã nói “đào tạo, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”, từ năm 1930 đến nay, một trong những nhân tố quyết định sự lãnh đạo thành công của Đảng là rất quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, để đội ngũ cán bộ đó đảm đương được trách nhiệm lịch sử của mỗi thời kỳ; biến đường lối của Đảng thành hiện thực và đưa đến thắng lợi của cách mạng. Đặc biệt là đi vào công cuộc đổi mới, công tác đào tạo cán bộ vượt lên với quy mô lớn, từ đào tạo trong thực tiễn, đến trong hệ thống trường Đảng… Vì thế mới có được đội ngũ cán bộ đổi mới tư duy lý luận, bám sát thực tiễn đất nước, nhận thức được những vấn đề mới của thời đại, nhất là khi hội nhập quốc tế.
Quan điểm của Đảng về công tác cán bộ đã nêu rất rõ trong Nghị quyết của Hội nghị T.Ư 7 (khóa XII), đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược. Đảng ta khẳng định lại quan điểm Bác Hồ đã nêu ra từ hơn 70 năm trước: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Công cuộc đổi mới có những yêu cầu mới rất cao trên nhiều lĩnh vực, càng đòi hỏi xây dựng đội ngũ cán bộ phải hội tụ đủ cả về phẩm chất đạo đức, trí tuệ, năng lực tổ chức thực tiễn, uy tín chính trị trong quần chúng Nhân dân. Với đội ngũ cán bộ như vậy mới có khả năng đưa đất nước phát triển.
Hà Nội ngày càng phát triển hiện đại. Ảnh: Phạm Hùng
Dù luôn được coi trọng nhưng trên thực tế nhiều ngành, nhiều địa phương vẫn để xảy ra những sai phạm đáng tiếc trong công tác cán bộ. Do đó, trong chỉnh đốn Đảng, việc xử lý cán bộ sai phạm vẫn luôn là vấn đề thời sự. Ông đánh giá thế nào về quyết tâm “sàng lọc” những cán bộ thoái hóa biến chất này của Đảng?
- Theo tôi, Đảng trong sạch vững mạnh nhờ cán bộ. Ngày xưa, công tác cán bộ của Bác, của các bậc lão thành không nhiều quy trình như bây giờ nhưng vẫn chọn được cán bộ tốt, tâm huyết với Đảng, với dân. Đó là do không bị chủ nghĩa cá nhân chi phối, không bị phai nhạt lý tưởng.
Đáng buồn là vừa qua xảy ra một số chuyện lình xình trong công tác cán bộ từ bổ nhiệm sai, đến cán bộ sai phạm, vướng vào lao lý... Điều đó cho thấy công tác cán bộ tưởng như khá chặt chẽ nhưng vẫn còn sơ hở, nhất là khi một số cán bộ có trách nhiệm lại... thiếu trách nhiệm. “Dụng nhân như dụng mộc” mà đặt nhầm chỗ thì nguy hại biết bao.
Rất mừng là công tác xử lý cán bộ vi phạm, siết chặt kỷ luật của Đảng đang được làm rất quyết tâm. Trước kia, ta hay nói chung chung là tăng cường kỷ luật Đảng, nên hiệu quả chưa cao, bây giờ đã đưa ra được các “khung” tương đối chi tiết, từ đó soi chiếu và đưa ra các hình thức phù hợp như Cương lĩnh, Điều lệ Đảng; Quy định về 19 điều đảng viên không được làm; gần đây là Quy định 102 về kỷ luật Đảng. Rồi những quy định về quản lý cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên cũng hết sức cụ thể.
Cũng lại nói chuyện trước kia, cùng một vi phạm nhưng thường ở cấp dưới lại bị xử lý nặng hơn, gây dư luận không tốt. Bây giờ, T.Ư đã quyết tâm với tinh thần “không được nhẹ trên, nặng dưới", bất kỳ ai nếu có khuyết điểm, sai phạm đều sẽ bị “phạt” như nhau. Bên cạnh đó, việc xử lý các tổ chức Đảng “có vấn đề” cũng được chú trọng hơn. Những vụ việc gần đây cho thấy, một số cấp ủy yếu kém đã bị xử lý rất nghiêm khắc. Những kết quả đạt được cũng khẳng định Đảng đã nhất quán giữa nói và làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Đây cũng là minh chứng cho thấy Đảng có đủ khả năng và bản lĩnh để đẩy lùi tiêu cực nếu thực sự tôn trọng sự thật, tôn trọng công lý, biết dựa vào dân.
Kiểm soát quyền lực, siết chặt kỷ luật của Đảng là yêu cầu khách quan của mọi thời kỳ để chọn được cán bộ ưu tú, loại bỏ được những phần tử “hủ bại’, theo tôi, nhiệm vụ chỉnh đốn Đảng trong những năm tới vẫn là then chốt, cần phải làm liên tục, kiên trì, thường xuyên. Nếu quyết tâm làm sẽ loại ra được khỏi hàng ngũ của Đảng những đảng viên không đủ tư cách, cản trở sự phát triển của Đảng. Chúng ta cũng không nên nhìn vào số lượng cán bộ, đảng viên bị kỷ luật mà nghĩ rằng uy tín của Đảng giảm sút. Thực tế đã chứng minh, từ khi đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, siết chặt kỷ luật Đảng, mối quan hệ giữa Đảng với dân ngày càng tốt hơn và uy tín của Đảng ngày càng được nâng cao.
Tạo nên sức bật mới
Thời điểm này, các cấp ủy đang tập trung thực hiện Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, trong đó có công tác nhân sự. Với những cơ sở pháp lý đã và đang được triển khai, ông đánh giá thế nào về các bước chuẩn bị cho công tác cán bộ của nhiệm kỳ tiếp theo này?
- Trước hết, là một người nghiên cứu về lịch sử Đảng, tôi thấy rằng từ khi thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (Khóa XI) đến Nghị quyết T.Ư 4 (Khóa XII) và đặc biệt là Nghị quyết T.Ư 7 (Khóa XII), có thể khẳng định, công tác cán bộ trong tổng thể chung về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đã có được những thành công nhất định. Tất nhiên đây là vấn đề phải làm thường xuyên, kiên trì và nếu chúng ta tập trung vào thực hiện tốt Nghị quyết T.Ư 7, chắc chắn sẽ có được đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới.
Về công tác nhân sự của nhiệm kỳ tiếp theo, tôi thấy T.Ư đã có sự chuẩn bị tốt, ban hành nhiều những văn bản rất quan trọng, là cơ sở để các cấp ủy thực hiện. Trong đó luôn nhấn mạnh, công tác lựa chọn, đào tạo, bố trí, sắp xếp cán bộ phải được thực hiện nghiêm. Đồng thời, khâu đánh giá cán bộ cũng được làm chuẩn chỉnh hơn; phát huy được vai trò giám sát của Nhân dân, công khai, minh bạch. Đặc biệt, trong xây dựng đội ngũ cán bộ, lấy xây là chính nhưng cũng phải chống những biểu hiện tiêu cực như chạy chức, chạy quyền, tham nhũng quyền lực. Với Quy định số 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền, lần đầu tiên Đảng đã có văn bản chính thức, đầy đủ, tương đối hoàn chỉnh đề cập đến vấn đề rất quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Tôi tin rằng, thực hiện tốt Quy định này, hiện tượng chạy chức, chạy quyền sẽ cơ bản được ngăn chặn. Với cách kiểm soát công khai, khiến cán bộ có tư tưởng uốn mình, chạy chọt phải chững lại.
Ông có niềm tin là nhiệm kỳ tới sẽ chọn được đội ngũ cán bộ quản lý các cấp thật sự xứng đáng, chống được những tiêu cực trong công tác cán bộ?
- Tôi hoàn toàn tin tưởng, trong thời gian tới, các giải pháp cả phòng và chống đã được Tổng Bí thư, T.Ư Đảng nêu ra được tiến hành đồng bộ, sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp trong chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng; tin rằng Đại hội Đảng các cấp sẽ tìm được nhân sự đạt được yêu cầu. Nhưng tôi vẫn trở lại tư tưởng của Bác về “bồi dưỡng là công việc gốc”, lựa chọn được cán bộ ưu tú, có đạo đức, phẩm chất tốt, có lý tưởng, tài năng rồi, vẫn cần bồi dưỡng, đào tạo. Hơn nữa, bản thân mỗi cán bộ, đảng viên phải tự tu dưỡng, rèn luyện, chú ý đến tiêu chuẩn về đạo đức như mong muốn của Bác Hồ, “dĩ công vi thượng”. Đồng thời phải kiểm soát quyền lực bằng các cơ chế đã có. Các nhiệm vụ này được thực hiện tốt, chắc chắn niềm tin của cán bộ, đảng viên, Nhân dân với Đảng sẽ không ngừng được củng cố, tạo sức bật cho quá trình phát triển đất nước.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nghiên cứu lịch sử Đảng, tôi thấy tự hào về lớp lớp cán bộ, đảng viên từ thời thành lập Đảng đến giờ, đều hoàn thành trách nhiệm trước đất nước, trước dân tộc và luôn học theo tấm gương của Bác, làm nên thắng lợi như hôm nay. Từ cái tự hào rất chính đáng đó, phải thấy trách nhiệm của đội ngũ hôm nay, tiếp tục sự nghiệp của các thế hệ đã qua. Sau nữa, mỗi thời điểm lịch sử đều có những thách thức, nên phải có niềm tin. Tôi rất tâm đắc một câu nói của Lenin, cách tốt nhất để kỷ niệm một sự kiện lịch sử là thế hệ hôm nay phải làm việc tốt hơn, phải hoàn thành cả những phần việc mà thế hệ trước chưa làm được hoặc chưa kịp làm.
PSG.TS Nguyễn Trọng Phúc