Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Niềm vui và trách nhiệm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau gần một tháng làm việc tích cực, trách nhiệm, hôm qua, Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII đã thành công tốt đẹp.

Niềm vui và trách nhiệm - Ảnh 1

Một trong những nội dung quan trọng của kỳ họp là ngày 21/11/2012, Hà Nội với đa số phiếu tán thành, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Thủ đô, sau 3 năm chuẩn bị, thảo luận  nghiêm túc, thẳng thắn với tinh thần trách nhiệm cao.

Đối với 4 điều trong Luật còn có những ý kiến khác nhau, Quốc hội đã bỏ phiếu riêng từng điều trước khi bỏ phiếu thông qua toàn Luật. Từ nay đến tháng 7/2013, Luật có hiệu lực, Thành phố Hà Nội cùng với cả nước sẽ triển khai tuyên truyền tới tận người dân, hoàn thiện hệ thống văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các điều trong Luật và triển khai các mặt để Luật tạo được chuyển biến mới nâng cao vị thế Thủ đô và mở đầu cho một thời kỳ dài, không ít khó khăn, gian khổ nhưng vẻ vang, đưa Thủ đô Hà Nội phát triển lên một tầm cao mới.

Hà Nội, cũng như Thủ đô của nhiều nước trên thế giới từ nay đã có một bộ luật riêng, mang những quy định đặc thù, tạo tiền đề để xây dựng Thủ đô tương xứng với một nước Việt Nam hiện đại, công bằng, dân chủ, văn minh, là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ, kinh tế, quan hệ quốc tế của cả nước. Đó là một sự kiện quan trọng không chỉ riêng với Hà Nội mà còn với cả nước theo tinh thần cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước đã trở thành truyền thống tốt đẹp. Với trình độ phát triển hiện nay và yêu cầu phát triển cao hơn trong những giai đoạn tiếp theo, Hà Nội cần những cơ chế đặc thù, chủ yếu trong vấn đề ngân sách và xây dựng, quản lý đô thị. Đó là những điều kiện cần có để có thể quản lý, phát triển thành phố tốt hơn. Những cơ chế đó còn cần được cụ thể hóa, nhưng đại thể, Hà Nội có quyền hạn chế nhập cư vào nội đô cũ; có quyền giãn bớt dân cư, đưa một số cơ sở y tế, trường học, nhà máy, cơ sở dịch vụ, thương mại, cơ quan hành chính ra ngoài khu trung tâm để giảm tải dân số; có quyền định ra một số hình thức phạt và các mức phạt của riêng thành phố trong các trường hợp vi phạm Luật Giao thông, xây dựng và một số vi phạm hành chính khác; có quyền huy động nguồn vốn và thu chi theo các quy định riêng… Những cơ chế đặc thù này sẽ tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn, tăng thêm quyền lợi cho tuyệt đại đa số người dân Thủ đô nhưng cũng tăng trách nhiệm với họ. Luật cũng va chạm đến quyền lợi của một bộ phận không nhỏ người dân, nhất là những người thuộc diện không đủ điều kiện nhập cư vào trung tâm Hà Nội, những người bị đảo lộn đời sống do nơi làm việc phải chuyển ra ngoại thành, những người có nhu cầu kinh doanh, xây dựng ở khu trung tâm… Một số điều của Luật cũng ít nhiều còn khác với các đô thị lớn khác trong nước. Nhưng như Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã nói với báo chí, cần đặt cái chung lên trên.

Có Luật Thủ đô, đó là một điều mừng cho Hà Nội và cho cả hệ thống Luật pháp nước ta, nhưng suy cho cùng, thực thi Luật mới là điều quan trọng, quan trọng hơn cả việc có Luật. Để cho Luật Thủ đô thực sự đi vào đời sống, trở thành động lực cho sự phát triển của thành phố, còn cần đến sự cố gắng, hợp sức liên tục, bền bỉ, ngày càng cao của từng cơ quan, đoàn thể, từng con người, nhưng trước hết đó là trách nhiệm của những cán bộ, đảng viên đang sống, làm việc trên địa bàn, dù ở bất cứ cương vị nào.