Trong lịch sử VFF, ông Nguyễn Trọng Hỷ đang là người giữ kỷ lục khi được làm Chủ tịch đến 2 nhiệm kỳ. Quãng thời gian ngồi ghế nóng (2005 - 2013), ông Hỷ không vấp phải sự cạnh tranh đáng kể nào và mãi đến cuối năm 2013, khi sức khỏe có vấn đề, cựu Thứ trưởng này mới quyết định rút lui để nhường ghế cho người khác.
Bốn ứng cử viên các vị trí chủ chốt của VFF gồm các ông Lê Quý Phượng, Cấn Văn Nghĩa, Nguyễn Công Khế và Trần Quốc Tuấn (từ trái qua). |
Lúc đó, bóng đá nước nhà không có gương mặt nào “dám” ngồi ghế nóng, ngoài “phó tướng” lâu năm Lê Hùng Dũng. Đấy là thời điểm bóng đá nước nhà không gặt hái được thành công và sự quan tâm của dư luận với chiếc ghế Chủ tịch VFF rất nhạt nhòa. Thế nên đến đại hội VII, ông Dũng “một mình một ngựa” về đích với số phiếu tuyệt đối. Cũng vì lý do sức khỏe nên ông Lê Hùng Dũng nối gót người tiền nhiệm Nguyễn Trọng Hỷ không ra ứng cử và quyết định “ở ẩn”. Thực ra, từ cách đây hơn 1 năm, người thường xuyên đứng ra giải quyết các công việc ở VFF là Phó Chủ tịch Thường trực Trần Quốc Tuấn và tầm ảnh hưởng của ông Dũng nhạt phai theo năm tháng và ngày ông rời ghế chỉ còn là vấn đề thời gian. Ông Dũng nghỉ, lập tức chủ nhân chiếc ghế nóng lại sôi động bất ngờ với cuộc đua của 4 ứng viên và khiến cho mọi dự đoán, toan tính đều trở nên khó lường hơn bao giờ hết.
Một tháng trước khi diễn ra đại hội, bản danh sách các ứng viên cho các vị trí chủ chốt của VFF đã lộ diện gồm 4 người là Phó Chủ tịch Thường trực VFF Trần Quốc Tuấn, nguyên Phó Chủ tịch VPF Nguyễn Công Khế, Giám đốc Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình Cấn Văn Nghĩa và nguyên Hiệu trưởng Đại học TDTT 2 (TP Hồ Chí Minh) Lê Quý Phượng. Tại hội nghị lần thứ 12 nhiệm kỳ VII, Ban Chấp hành VFF đã thống nhất, ngoài việc chốt danh sách trên, các ứng viên đều có quyền ra tranh cử tại đại hội, ngoại trừ trường hợp có người xin rút. Trong 4 ứng viên, Phó Chủ tịch Trần Quốc Tuấn hiện được nhiều CLB tín nhiệm nhờ kinh nghiệm làm bóng đá lâu năm, thạo việc và có mối quan hệ tốt với các tổ chức quốc tế như FIFA, AFC, AFF.Ngoại trừ ông Nguyễn Công Khế, 3 người còn lại đều là cán bộ thuộc diện quản lý của Bộ VHTT&DL. Ông Lê Quý Phượng đã nghỉ hưu, còn ông Cấn Văn Nghĩa cũng chuẩn bị nghỉ. Trong khi đó, vị trí Phó Chủ tịch truyền thông cũng nhận được sự quan tâm. 5 ứng viên được giới thiệu gồm các ông: Phó Chủ tịch VFF Nguyễn Xuân Gụ, người tiền nhiệm của ông Gụ là ông Nguyễn Lân Trung, TBT báo Bóng đá Nguyễn Văn Phú, nguyên Tổng Giám đốc VPF Cao Văn Chóng và một lãnh đạo Ngân hàng HDBank. Các vị trí Phó Chủ tịch phụ trách tài chính và chuyên môn kém phần sôi động hơn khi số lượng ứng viên rất ít với sự xuất hiện của ông Trần Anh Tú, Dương Vũ Lâm. Có thể nói, vừa qua, việc U23 Việt Nam thi đấu tốt và trình làng lứa cầu thủ tài năng cũng như những chuyển biến mới của V.League (đông tài trợ hơn) đã khiến cho cuộc đua đến ghế nóng trở nên căng thẳng. Và một tháng tới đây, dự báo sẽ có nhiều chuyện thú vị xung quanh “cuộc đua kỳ thú” này.