Theo báo cáo của Bộ Tài chính, dự kiến nợ công năm 2018 chiếm 58,4% GDP (mục tiêu là từ 65% trở xuống); nợ Chính phủ là 50% GDP (mục tiêu từ 54% trở xuống). Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ, thu ngân sách 15,9% (mục tiêu từ 25% trở xuống). Nợ nước ngoài quốc gia 46% GDP (mục tiêu từ 50% trở xuống)...
Theo Bộ Tài chính, các chỉ tiêu nợ đảm bảo trong giới hạn là do nền tảng vĩ mô khởi sắc, tăng trưởng GDP vượt kế hoạch và đạt mức cao nhất trong 11 năm qua. Điều hành chính sách tài khóa đạt kết quả khả quan, thu cân đối ngân sách ước vượt 7,8% so với dự toán, dự kiến bội chi ngân sách nhà nước thấp hơn so với dự toán là 3,7% GDP, qua đó giảm nhu cầu huy động vốn vay của Chính phủ.
Bên cạnh đó, giải ngân vốn ODA, ưu đãi nước ngoài chậm hơn dự kiến và biến động tỷ giá được kiểm soát tốt đã góp phần giảm quy mô nợ nước ngoài của Chính phủ khi quy ra đồng Việt Nam.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc nợ công có thực sự "đẹp" và bền vững như Bộ trưởng Bộ Tài chính từng phát biểu, ông Võ Hữu Hiển - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, theo quy định của Luật Quản lý nợ công cũng như thông lệ quốc tế, sự an toàn của nợ công được đánh giá dựa trên một số chỉ tiêu cụ thể. Trong đó, quan trọng nhất là quy mô nợ công/GDP và khả năng trả nợ.
Hiện nay, một số vấn đề đặt ra đang có tác động đến sự an toàn của nợ công tại Việt Nam là việc các khoản vay sắp đến hạn trả. Ví dụ, nhiều khoản vay trong nước cơ bản sẽ đến hạn sau 5 năm vay, tức là 2020 - 2021 tới đây; một số khoản vay ODA, kể cả có lãi và không lãi cũng đến hạn phải trả nợ gốc vào năm 2020… làm gia tăng áp lực trả nợ vào thời gian tới.
Bên cạnh đó, khi được công nhận là nước có thu nhập trung bình, Việt Nam không được hưởng các khoản vay ưu đãi nhiều nữa, chưa kể một số khoản vay phải chịu lãi suất thả nổi với nhiều rủi ro; ngoài ra là rủi ro tái cấp vốn, tăng nghĩa vụ trả nợ,…
Để quản lý nợ công một cách bền vững, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tập trung tái cơ cấu các khoản nợ để giãn đỉnh nợ, tránh việc trả nợ dồn vào một thời điểm, tác động đến cân đối ngân sách. Bộ này cũng tiếp tục thúc đẩy phát triển thị trường vốn trong nước, thị trường trái phiếu Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện hạn mức nợ nước ngoài theo phương thức tự vay tự trả của DN và tổ chức tín dụng, bảo đảm trong hạn mức được phê duyệt, đặc biệt là các khoản nợ ngắn hạn.