Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nợ giáo viên tiền tỷ chi phí phổ cập giáo dục

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Từ khi có phong trào dạy phổ cập giáo dục cô đã tham gia giảng dạy các lớp phổ cập giáo dục vào ban đêm, mỗi tuần tới 5 tiết. Thời gian trước chế độ đứng lớp đều được thanh toán rõ ràng.

KTĐT - Từ khi có phong trào dạy phổ cập giáo dục cô đã tham gia giảng dạy các lớp phổ cập giáo dục vào ban đêm, mỗi tuần tới 5 tiết. Thời gian trước chế độ đứng lớp đều được thanh toán rõ ràng. Từ năm 2007 đến nay chưa được thanh toán tiền đứng lớp, cô bị nợ đến hơn 20 triệu đồng.

Ba năm qua, nhiều giáo viên ở Khánh Hòa bỏ công sức, kể cả tiền bạc để thực hiện phổ cập giáo dục cho học sinh trên địa bàn tỉnh, song đến nay vẫn chưa nhận được tiền chính quyền chi trả.

Thầy Nguyễn Ngọc Thạch, Phó hiệu trưởng trường tiểu học Trịnh Phong, thị trấn Diên Khánh (huyện Diên Khánh, Khánh Hòa), cho biết: Nhà trường vẫn còn thiếu hơn 260 triệu đồng chi trả cho 66 lượt giáo viên trong 3 năm qua, nhiều văn phòng phẩm dùng để giảng dạy cũng do giáo viên tự bỏ tiền túi ra. Hiện tại, nhà trường có nhiều thầy cô chưa được chi trả tiền đứng lớp phổ cập từ 10 đến 50 triệu đồng.

Chia sẻ khó khăn trên, cô giáo Bùi Thị Luyến, giáo viên dạy Toán của trường tiểu học Trịnh Phong cho biết: Từ khi có phong trào dạy phổ cập giáo dục cô đã tham gia giảng dạy các lớp phổ cập giáo dục vào ban đêm, mỗi tuần tới 5 tiết. Thời gian trước chế độ đứng lớp đều được thanh toán rõ ràng. Từ năm 2007 đến nay chưa được thanh toán tiền đứng lớp, cô bị nợ đến hơn 20 triệu đồng.

Cô Luyến ngậm ngùi: “Việc tham gia công tác phổ cập giáo dục là một tiêu chí bình xét thi đua hàng năm nên phải cố gắng. Bằng lòng nhiệt tình, tôi cũng cố gắng bỏ công sức, xăng xe mấy năm liền đi dạy. Tuy nhiên, việc chậm thanh toán là rất thiệt thòi, hiện gia đình tôi còn một người mẹ và nuôi hai con ăn học nên kinh tế khá eo hẹp”.

Ông Bùi Hữu Hóa, Trưởng phòng giáo dục huyện miền núi Khánh Vĩnh, giải thích: "Khánh Vĩnh là địa bàn miền núi, do đó việc vận động con em đồng bào dân tộc ít người đi học gặp nhiều khó khăn, lại thiếu kinh phí hỗ trợ nên các hoạt động này liên tục nhiều năm đã ít nhiều gây thêm khó khăn, ức chế cho công tác giảng dạy của giáo viên". Hiện tại, huyện Khánh Vĩnh đang thiếu của giáo viên gần 400 triệu đồng phổ cập giáo dục.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Lưu Quốc Thanh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa xác nhận, ngành giáo dục Khánh Hòa đang cần bổ sung gần 7,5 tỷ đồng tiền phục vụ công tác phổ cập giáo dục. Đây là số tiền còn thiếu của giáo viên trong 3 năm từ 2008 đến 2010 trên địa bàn toàn tỉnh. Sở đã có công văn gửi Sở Tài chính đề nghị bổ sung ngân sách để hỗ trợ cho địa phương chi trả khoản tiền trên cho các giáo viên.