Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nỗ lực bình ổn giá hàng hóa thiết yếu

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

KInhtedothi - Các ngành chức năng, hệ thống phân phối, bán lẻ đang nỗ lực bằng nhiều giải pháp nhằm giảm giá hàng hóa thiết yếu, bình ổn thị trường, chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng.

Giá hàng hóa thiết yếu đã giảm

Sau thời gian dài neo ở mức cao, hiện nay, giá bán lẻ nhiều loại hàng hóa thiết yếu đã hạ nhiệt. Ghi nhận tại một số chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội, nhóm thực phẩm thiết yếu như: trứng vịt, cá, dầu ăn... giảm nhẹ 5% - 10% so với thời điểm đầu tháng 8/2022. Riêng thịt lợn vẫn giữ ở mức giá ổn định từ 110.000 – 130.000 đồng/kg trong hai tuần trở lại đây.

Người tiêu dùng mua rau xanh tại chợ truyền thống. Ảnh: Lê Nam
Người tiêu dùng mua rau xanh tại chợ truyền thống. Ảnh: Lê Nam

Tại chợ Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm), các tiểu thương cho biết, lượng thịt lợn bán ra hàng ngày tương đối đều do từ trung tuần tháng 8, giá thịt lợn hơi và thịt hơi mảnh đều giảm. Hiện tại, sườn non, ba chỉ, bắp giò, nạc vai được bán với giá 130.000 đồng/kg; mông sấn 110 - 120.000 đồng/kg.

Tại chợ Hà Đông, giá một số loại rau củ đã giảm nhiệt rõ rệt, trung bình từ 5.000 – 7.000 đồng/kg so với một tuần trước đó. Cụ thể, bắp cải 15.000 đồng/kg; cải thảo 17.000 đồng/kg; dưa leo 10.000 đồng/kg; mướp hương 18.000 đồng/kg; bí đỏ 16.000 đồng/kg…

Chị Lê Kim Hằng (phường Phúc La, quận Hà Đông) chia sẻ: “Sáng nay (24/8), tôi vừa mua 1 kg bắp giò lợn ở chợ Hà Đông với giá 130.000 đồng, giảm 10.000 đồng so với tuần trước. Cá rô phi cũng giảm còn 50.000 đồng/kg, rau muống giảm còn 6.000 đồng/mớ. Nhìn chung giá bán lẻ các mặt hàng thực phẩm tươi sống giảm nhẹ, đã phần nào chia sẻ áp lực với người dân”.

Khảo sát tại một số siêu thị, giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đã có dấu hiệu giảm nhẹ. So với thời điểm trung tuần tháng 8, nhiều mặt hàng như: dầu ăn, mì ăn liền, trứng gà, sữa đã giảm giá phổ biến từ 10 - 15%.

Các loại rau, củ tươi bán tại siêu thị nguồn cung dồi dào, giá tốt. Ảnh: Ngọc Ánh
Các loại rau, củ tươi bán tại siêu thị nguồn cung dồi dào, giá tốt. Ảnh: Ngọc Ánh

Đơn cử như, tại hệ thống siêu thị Big C, dầu Neptune loại 1 lít được niêm yết giá bán 56.900 đồng/lít, giảm 10%; mì tôm Omachi 205.000 đồng/thùng (30 gói), giảm 5.000 đồng/thùng; trứng gà loại 1 Ba Huân 32.000/vỉ (10 quả), giảm 1.000 đồng; sữa tươi Vinamilk 28.500 đồng/lít (giữ nguyên giá)…

Đại diện một siêu thị cho biết, khi các đơn vị cung ứng, nhà sản xuất sản phẩm đầu vào giảm giá thì phía siêu thị cũng hạ giá ngay trên kệ hàng. Bình thường công tác điều chỉnh giá phải mất từ vài tháng nhưng bây giờ chỉ còn khoảng 10 ngày, một số mặt hàng tươi sống thì cập nhật hàng ngày.

Linh hoạt nhiều giải pháp bình ổn thị trường

Theo Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu, vào thời điểm tháng 7/2022, giữa lúc hàng hóa thiết yếu đang có đà tăng theo giá xăng, dầu, nhiều siêu thị phải nỗ lực kìm giá hàng hóa, thúc đẩy sức mua trên thị trường. Chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng, Hiệp hội cũng đề nghị các DN phân phối, bán lẻ chủ động trong việc điều chỉnh giá phù hợp với biên độ giảm giá của thị trường theo giá giảm của xăng, dầu.

Hiện tại, hầu hết siêu thị đã kịp thời phối hợp với các nhà cung cấp để có kế hoạch giảm giá liên tục trong ít nhất 3 tháng tới cho các nhóm hàng thiết yếu, hàng bình ổn giá như: Gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, một số mặt hàng sữa, các loại gia vị, thực phẩm khô.

Giám đốc Siêu thị Co.opmart Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung cho hay, ngày từ những ngày cuối tháng 8, Co.opmart đã thực hiện chạy chương trình khuyến mãi với nhiều mặt hàng thiết yếu với giá tốt. Ví dụ như các mặt hàng rau củ quả, trái cây luôn được giảm giá từ 15 - 20%; các mặt hàng hóa mỹ phẩm như nước giặt, nước rửa chén, nước xả … được giảm từ 20 - 51%; các mặt hàng phục vụ năm học mới cũng được giảm từ 15 - 50%.

Mặc dù hàng hóa thiết yếu tại thị trường trong nước đang có xu hướng giảm. Tuy nhiên, trong bối cảnh mặt bằng giá hàng hóa trên thế giới tăng cao, tác động trực tiếp tới giá cả và sức mua ở trong nước, việc giữ ổn định thị trường nội địa là không dễ dàng.

Đề cập về các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định cung cầu, giá cả, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông thông tin, Bộ Công Thương đang theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để điều tiết kịp thời. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong điều hành giá, kiểm soát giá cả hàng hóa đầu vào, tăng cường kiểm tra, ngăn chặn hành vi găm hàng, đầu cơ, thao túng giá.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, DN phân phối lớn, chủ động xây dựng phương án dự trữ hàng hóa, bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu, có phương án điều tiết nguồn cung khi cần thiết. Triển khai chương trình bình ổn thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu người dân, nhất là trong những tháng cuối năm và dịp cao điểm Tết Nguyên đán.

“Bộ tiếp tục phối hợp các bộ, ngành, địa phương cân nhắc thời điểm, mức điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý giá cho phù hợp, nhất là việc điều chỉnh giá mặt hàng xăng, dầu, tránh gây tác động cộng hưởng và tâm lý chung tới thị trường hàng hóa. Mặt khác, cung cấp đầy đủ thông tin về tình hình giá cả, các điểm bán hàng bình ổn... để tạo tâm lý yên tâm cho người tiêu dùng” – ông Trần Duy Đông khẳng định.

 

Thực hiện công điện của Bộ trưởng Bộ Công Thương, lực lượng quản lý thị trường trên cả nước đang tiến hành tổng kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá từ nay cho đến hết năm 2022, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như: Lương thực, thực phẩm, xăng, dầu, thịt lợn, thức ăn chăn nuôi, vật liệu xây dựng, thiết bị y tế.