Ngay từ khi Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới được phát động, TP đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại. Việc triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp giúp ngành nông nghiệp của Hà Nội phát triển ổn định trong điều kiện thiên tai bất lợi, duy trì tăng trưởng ở mức bình quân 3,34%/năm.Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực. Giá trị các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đều tăng so với năm 2010. Đặc biệt, giá trị sản xuất nông nghiệp thực tế năm 2018 đã đạt 259 triệu đồng/ha, vượt trước 2 năm mục tiêu của Chương trình xây dựng nông thôn mới (250 triệu đồng/ha/năm) và tăng 117 triệu đồng/ha/năm so với năm 2010 (133 triệu đồng/ha/năm).Song song với phát triển nông nghiệp, Hà Nội rất chú trọng đến giải quyết việc làm cho người lao động. Theo đó, tính riêng giai đoạn 2016 đến nay, TP đã tổ chức hàng trăm lớp đào tạo nghề cho khoảng 543.000 lượt người, trong đó, có trên 70.100 lao động nông thôn. Tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo nghề đạt khoảng 85% (năm 2018). TP cũng đã thực hiện việc trợ cấp thất nghiệp cho trên 142.107 người với số tiền 2.314 tỷ đồng; hỗ trợ học nghề cho 6.335 người với số tiền gần 22 tỷ đồng. Qua đó, giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp chung của Hà Nội còn khoảng 1,9%.Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí, cùng với phát triển nông nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, công tác an sinh xã hội cũng được TP đặc biệt quan tâm. Trong gần 10 năm qua, đã có trên 1,2 triệu lượt hộ nghèo, cận nghèo, người dân các xã thuộc Chương trình 135 được cấp thẻ trợ cấp; số tiền cấp thẻ từ ngân sách Nhà nước là hơn 749 tỷ đồng. Ngoài ra, 42.172 lượt học sinh cũng đã được miễn, giảm học phí với tổng kinh phí 21,5 tỷ đồng; 208.590 lượt học sinh được hỗ trợ chi phí học tập với tổng số tiền gần 190 tỷ đồng; 336.508 lượt hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện với tổng số tiền trên 125 tỷ đồng... Đáng chú ý, TP đã hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng để xây sửa nhà ở cho trên 12.000 người có công với cách mạng và hộ nghèo khu vực nông thôn. Đến nay, toàn TP đã không còn nhà ở dột nát, thiếu kiên cố. Những nỗ lực của Hà Nội thông qua các cơ chế, chính sách và giải pháp cụ thể, thiết thực đã góp phần quan trọng nâng thu nhập bình quân đầu người dân khu vực nông thôn trên địa bàn TP đạt trên 47 triệu đồng/người/năm. Đồng thời, giảm tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn khoảng 1,8% vào đầu năm 2019.