Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nỗ lực cứu sông Nhuệ - Đáy

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 18/8, UBND TP. Hà Nội có buổi làm việc với Bộ TN&MT về kết quả thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy.

Phạm vi thực hiện triển khai Đề án trên địa bàn Hà Nội gồm 24/29 quận, huyện (trong đó có9 quận, 14 huyện và 1 thị xã). Đây là công việc đang được thành phố và các ngành liên quan nỗ lực hết mình để "giải cứu" các dòng sông khỏi sự ô nhiễm nặng.

Nhiều dự án "giải cứu" đang được triển khai

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho biết, thực hiện Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, thành phố đã đầu tư cải tạo nạo vét và xây dựng hệ thống thủy lợi liên quan trong lưu vực các sông, trong đó có các dự án: Nạo vét, cải tạo, nâng cấp công trình trên sông Nhuệ sau cống điều tiết Hà Đông đến cống Lương Cổ; Cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây Hà Nội (Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa)... Còn dự án Nạo vét sông Đáy đã hoàn thành công tác đấu thầu, đang làm thủ tục GPMB để triển khai thi công trong năm 2011; Dự án Chỉnh trang sông Nhuệ đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, đã lập báo cáo kinh tế kỹ thuật và hiện nay đang trình Bộ NN&PTNN phê duyệt.

Bên cạnh đó, thành phố đã cải tạo nạo vét 1km đoạn đầu sông Nhuệ, khơi thông 15 tuyến kênh tiêu chảy vào trục chính sông Nhuệ - Đáy. Điều tra, thống kê hiện trạng quản lý sử dụng đất đai dọc sông Nhuệ trên địa bàn 7 quận, huyện gồm Từ Liêm, Hà Đông, Thanh Trì, Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa.

Các quận, huyện cũng đưa ra những ý kiến "giải cứu" môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy. Bà Nguyễn Thị Huệ, Phó Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm, cho rằng, cần khẩn cấp nạo vét sông Nhuệ, chỉnh trang đồng bộ để bảo vệ môi trường lưu vực các dòng sông. "Có thể người khác nghĩ bỏ ra hàng trăm tỉ đồng cải tạo con sông là nhiều, nhưng nếu để mưa ngập trắng hoa màu, thiệt hại của một xã có thể lên tới cả nghìn tỉ đồng", bà Huệ bày tỏ.

Còn đónhững khó khăn

Ông Phạm Văn Khánh, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho hay, việc triển khai Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy vẫn còn những vướng mắc, khó khăn. Do qui hoạch tổng thể lưu vực sông đang được triển khai nên các dự án khác chậm tiến độ thực hiện. Các cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, đặc biệt là các thủ tục đầu tư phức tạp. Phần lớn các cơ sở trong các khu, cụm công nghiệp chưa tuân thủ đầy đủ các qui định của Luật (kể cả Ban quản lý các khu, cụm công nghiệp) như việc xây dựng trạm xử lý nước thải, việc giám sát môi trường định kỳ hàng năm. Việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư các dự án, các dịch vụ môi trường, hiện mới chỉ có một số nhà đầu tư vào lĩnh vực xử lý chất thải rắn sinh hoạt, còn việc đầu tư các dự án xử lý nước thải theo hình thức xã hội hóa còn nhiều khó khăn, hạn chế, hầu hết vẫn sử dụng ngân sách nhà nước nên việc triển khai còn chậm.

Để có những giải pháp tối ưu bảo vệ môi trường lưu vực hai con sông, Phó Chủ tịch TP Vũ Hồng Khanh chia sẻ, lãnh đạo TP thường xuyên trực tiếp đi khảo sát, đánh giá môi trường các dòng sông; đưa ra các giải pháp, tập trung xử lý các vi phạm hành lang bờ sông. Cũng bởi công tác quản lý đất đai chưa chặt nên vẫn xảy ra nhiều hiện tượng vi phạm pháp luật về đất đai, người dân sống hai bên bờ sông lấn chiếm đất. TP cũng chỉ đạo các quận, huyện xử lý triệt để các vi phạm, thực hiện các giải pháp xử lý ô nhiễm, ngăn chặn các nguồn phát tán, chế phẩm để dân tự xử lý. Ngoài ra, TP tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, sử dụng kinh phí xử lý để ngăn chặn sự ô nhiễm của các nhánh sông đổ vào sông Nhuệ - Đáy.