Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nỗ lực đổi mới, tìm hướng phát triển

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Mỗi DN đều có hướng đi riêng để vượt qua khó khăn, duy trì, phát triển với những giải pháp phù hợp với tình hình sản xuất, kinh doanh. Dưới đây là chia sẻ của một số DN về chiến lược để thực hiện mục tiêu đề ra với Báo Kinh tế & Đô thị nhân dịp đầu Xuân mới.

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam, khu công nghiệp Thạch Thất. Ảnh Thanh Hải
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam, khu công nghiệp Thạch Thất. Ảnh Thanh Hải

Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 Thân Đức Việt: Chọn việc khó để doanh thu đạt 4.500 tỷ đồng

Năm 2024, ngành dệt may sẽ đối diện với hàng loạt khó khăn từ áp dụng cơ chế EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) và CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon) cũng như Chiến lược “thời trang bền vững” thay cho “thời trang nhanh”, Luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức... Trong bối cảnh đó, với tinh thần vượt khó, May 10 vẫn đặt ra các chỉ tiêu chính cho năm 2024 như: doanh thu đạt 4.500 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 130 tỷ đồng, thu nhập bình quân 9.500.000 đồng/người/tháng. Hướng tới mục tiêu này, May 10 sẽ tập trung và chủ động tìm kiếm, khai thác thị trường trong nước và quốc tế, lo đủ việc làm cho người lao động trong chiến lược đa dạng hóa thị trường, mặt hàng, khách hàng.

Đồng thời, tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy theo hướng tinh gọn và hợp lý; tập trung công tác phục vụ cho sản xuất, nghiên cứu và chuyển đổi sản phẩm, nghiên cứu sản phẩm mới, chất liệu mới, đẩy nhanh tốc độ may mẫu, dập mẫu, chất lượng mẫu để làm các đơn hàng khó, kết cấu sản phẩm phức tạp, thời gian giao hàng nhanh... Đặc biệt, tăng cường công tác quản lý chất lượng, tiếp tục phát triển sản phẩm mới; duy trì khẩu hiệu hành động “Chọn việc khó” với phương châm “bảo toàn khách hàng, đơn hàng, thị trường, lao động và kiểm soát chặt các chi phí”.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dụng cụ An Mi TOOLS Nguyễn Nguyệt Anh:
Mạnh dạn đầu tư công nghệ để xuất khẩu

Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, cùng với những bất ổn về địa chính trị, DN sản xuất như An Mi Tools gặp không ít khó khăn, thách thức. Đơn hàng truyền thống sụt giảm, các DN Trung Quốc, Hàn Quốc với công nghệ, kỹ thuật cao tham gia vào thị trường, dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt. Để đảm bảo được sản xuất kinh doanh, cũng như giữ vững được mục tiêu phát triển, An Mi Tools nỗ lực tham gia các khóa học đào tạo về kỹ năng quản lý, chuyên môn nhằm cập nhật những kiến thức, công nghệ mới đưa vào áp dụng tại DN. Từ đó góp phần nâng cao năng suất lao động, cắt giảm chi phí để tăng tính cạnh tranh.

Với triết lý kinh doanh, cống hiến vì một nền công nghiệp mạnh mẽ, hiệu quả gắn liền với kinh tế tuần hoàn, An Mi Tools đã mạnh dạn đầu tư cải tiến nhiều hạng mục để đáp ứng được yêu cầu cao của khách hàng châu Âu, Nhật Bản về các chỉ tiêu ESG nhằm phát triển được thị trường xuất khẩu, chứ không chỉ cung cấp cho thị trường nội địa.

Minh chứng cho điều đó, hiện, An Mi Tools đang sở hữu 3 chi nhánh tại: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và diện tích nhà máy tại Hưng Yên được xây dựng chỉ chiếm 56%, diện tích cây xanh, mặt nước lên tới 44% hơn cả quy định để bảo vệ môi trường. An Mi Tools phấn đấu nâng cao toàn diện chất lượng sản phẩm, trở thành DN sản xuất, kinh doanh dụng cụ cắt gọt, cơ khí chính xác hàng đầu Việt Nam, đáp ứng chuẩn quốc tế. Nhờ vậy, đảm bảo đời sống ổn định cho hàng trăm cán bộ, công nhân viên đã, sẽ cùng đồng hành dưới mái nhà lớn An Mi Tools.

Tổng Giám đốc Công ty CP Sản xuất & Phát triển Công nghiệp Việt Nhật (INDEMA) Nguyễn Thu Hồng: Mong đảm bảo nguồn cung nguyên vật liệu nội địa

Năm 2023 vừa qua, nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng phải đối mặt với rất nhiều thách thức khiến các DN sản xuất như INDEMA cũng gặp không ít khó khăn, hầu như không tăng trưởng, nhiều đơn vị thậm chí còn bị suy thoái nặng nề.

Để có thể duy trì trong thời điểm hiện nay, INDEMA đã và đang nỗ lực học tập, đào tạo để nâng cao nội lực DN từ trình độ chuyên môn, kỹ năng tay nghề đến những kiến thức, công cụ quản lý mới như chuyển đổi số, số hóa… đưa vào áp dụng tại DN nhằm nâng cao năng suất, tối ưu chi phí, tăng sức cạnh tranh…

Bên cạnh đó, DN cũng mong nhận được nhiều hơn sự hỗ trợ để có thể được tiếp cận các nguồn vốn chính sách ưu đãi, các chương trình hỗ trợ đào tạo DN... Đồng thời, Chính phủ và các cơ quan ban ngành cần có những chính sách phù hợp để có thể đảm bảo nguồn cung nguyên vật liệu nội địa, giảm bớt sự bấp bênh, bất ổn của DN khi phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu và tỷ giá ngoại tệ.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội (HHT), TS Phạm Xuân Khánh: Chú trọng đào tạo nhân lực cao cho doanh nghiệp

Để đáp ứng và đào tạo nguồn nhân lực đúng với nhu cầu DN và xã hội, với chủ trương mỗi bài học là một công việc, mỗi môn học là một sản phẩm, trong nhiều năm qua, HHT đã mạnh dạn nghiên cứu và sản xuất nhiều sản phẩm công nghệ, vừa phục vụ dạy và học, vừa thương mại hóa.

Thời gian tới, HHT sẽ hoàn thành đề án Chiến lược phát triển trở thành trường chất lượng cao với quy mô tuyển sinh, đào tạo từ 8.000 - 10.000 sinh viên, mở các ngành nghề mới theo hướng công nghệ cao như: công nghệ bán dẫn, năng lượng tái tạo, rô bốt, logistics, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái… cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động trong nước và xuất khẩu kỹ sư cho các nước phát triển. Phát triển nhà trường trở thành Viện Công nghệ cao trong đó có DN khoa học công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo, chuyển đổi mô hình hoạt động theo cơ chế tự chủ toàn phần, nâng cao đời sống thu nhập cho người lao động…