Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nỗ lực hoàn thiện mạng lưới giao thông Hà Nội

Yến Dư
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2017 sắp trôi qua, đánh dấu một năm thành công cho những nỗ lực đẩy lùi UTGT của Hà Nội. Tuy nhiên, vẫn còn đó một khối lượng công việc đồ sộ, cần gấp rút triển khai để hoàn thiện mạng lưới giao thông của Thủ đô.

Năm bản lề

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, mạng lưới giao thông của Hà Nội đang phải chịu một sức ép rất nặng nề. Tình UTGT, mất trật tự, ATGT đang gây nên những tác động tiêu cực đối với cả TP, đòi hỏi phải có những nỗ lực không ngừng nghỉ để cải thiện hệ thống giao thông vận tải và ý thức của người dân.
Ảnh minh họa. Nguồn: Baogiaothong
Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND TP, các cơ quan quản lý chuyên ngành GTVT mà đặc biệt là Sở GTVT Hà Nội, đã có những nỗ lực vượt bậc, tạo nên sử chuyển biến rõ rệt cho bộ mặt giao thông Thủ đô. Trong năm 2017, Hà Nội đã giảm được 17/41 điểm UTGT; TNGT giảm trên cả 3 tiêu chí: Số vụ, số người chết, số người bị thương, cơ bản giải quyết được 46 điểm đen về tai nạn giao thông. Hàng loạt những công trình giao thông quan trọng, cấp bách đã được hoàn thành như: Cầu vượt nút giao Cổ Linh - Long Biên; Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái, hầm chui Khuất Duy Tiến,… Lần đầu tiên sau 9 năm sáp nhập Hà Nội và tỉnh Hà Tây, các huyện ngoại thành đã được kết nối xe buýt và đảm bảo 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP đã có xe buýt trợ giá phục vụ việc đi lại của nhân dân.
Lần đầu tiên sau nhiều năm, vận tải hành khách công cộng bắt đầu có sự tăng trưởng trở lại (Tổng sản lượng vận chuyển hành khách công cộng trên toàn TP ước đạt 767,5 triệu lượt hành khách, trong đó xe buýt đạt 441 triệu lượt hành khách, đáp ứng khoảng 13,8% nhu cầu đi lại của người dân, tăng 2,2 % so với kế hoạch năm và tăng 2% so với năm 2016); đưa vào hoạt động tuyến buýt nhanh BRT 01 Kim Mã - Bến xe Yên Nghĩa, là tuyến buýt nhanh đầu tiên của Hà Nội và cả nước.
Đặc biệt, năm qua, Hà Nội đã hoàn thành điều chuyển, sắp xếp 681 nốt (giờ) tuyến vận tải hành khách cố định thuộc 26 Tỉnh, Thành phố từ bến xe Mỹ Đình về bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm nhằm giảm ùn tắc giao thông trên tuyến đường vành đai 3 theo đúng định hướng quy hoạch của Bộ GTVT.

Cùng với đó, năm 2017 cũng được coi là một năm bản lề của giao thông Hà Nội với hàng loạt những kế hoạch, định hướng được Thành ủy, HĐND, UBND TP thông qua với sự đồng thuận cao. Trong đó đặc biệt là HĐND Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND ngày 04/7/2017 về việc thông qua Đề án: “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030” với 6 nhóm giải pháp và 45 giải pháp cụ thể thực hiện quản lý phương tiện giao thông.
Với vai trò là cơ quan tham mưu chính cho TP, thực hiện công tác quản lý nhà nước về chuyên ngành, Sở GTVT Hà Nội cũng đã tham mưu xây dựng rất nhiều đề án, văn bản QPPL có tác động lớn đến lĩnh vực giao thông vận tải của TP như: Quản lý hoạt động của xe taxi; Quy định về hoạt động của các phương tiện; Quy định về hoạt động vui chơi, giải trí trên các sông, hồ; Quy định quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng hệ thống đường đô thị; Quy định về quản lý, bảo trì, vận hành khai thác tuyến đường sắt đô thị số 2 Cát Linh - Hà Đông; Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận, trạm dừng nghỉ trên địa bàn Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TP Hà Nội; Quy định quản lý, khai thác điểm dừng đón trả khách cho xe khách liên tỉnh; Đề án Nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại Hà Nội giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030; Chương trình tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng GTK trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017 - 2021, định hướng đến năm 2030”;...

6 nhóm giải pháp

Tuy nhiên, mạng lưới giao thông của Hà Nội vẫn còn tồn tại một số bất cập, khó khăn cần phải nỗ lực giải quyết để hoàn thiện và đem lại hiệu quả thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội. Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội chia sẻ: “Muốn có hiệu quả thực sự và lâu dài, bền vững, TP cần triển khai đồng bộ các giải pháp cả trong lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng, tổ chức giao thông lẫn xây dựng văn hóa giao thông cho người dân”. Mục tiêu đó đã được Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch hành động mạnh mẽ. Các cấp chức năng của TP đã xác định và đang tích cực triển khai 6 nhóm giải pháp chính nhằm hạn chế UTGT và ô nhiễm môi truồng trên địa bàn TP.
Đó là: Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch, kế hoạch của TP Hà Nội; Phát triển và nâng cao chất lượng hiệu quả VTHKCC; Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ; Rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển đô thị theo hướng TOD, bố trí hợp lý giao thông tĩnh phục vụ kết nối thuận tiện giữa phương tiện giao thông cá nhân và giao thông công cộng; Ứng dụng CNTT trong quản lý điều hành giao thông (giao thông thông minh); Tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến nâng cao ý thức người dân trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ, xây dựng văn hóa giao thông.

Trong đó, cần chú trọng đến 3 mục tiêu chính: Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khung; ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành giao thông; xây dựng văn hóa giao thông bền vững trong nhân dân. Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành chia sẻ, Hạ tầng giao thông khung của Hà Nội bao gồm cả những tuyến đường vành đai, đường trục hướng tâm, liên khu vực; các đầu mối chính của giao thông tĩnh và đường sắt đô thị. Về giao thông đường bộ, TP đang hướng tới việc khép kín hệ thống các Vành đai: 1; 2; 2,5; 3 và 3,5; triển khai các thủ tục đầu tư, khởi công hoàn thành một số đoạn tuyến của Vành đai 4. Đối với hệ thống giao thông tĩnh, phấn đấu hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng 4 bến xe khách liên tỉnh Yên Sở, Cổ Bi, Sơn Tây, Đông Anh, 6 bãi đỗ xe ngầm bên trong Vành đai 3, nhân rộng mô hình thu phí trông giữ xe tự động ứng dụng công nghệ iParking,…

Để chuẩn bị cho lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân, TP cũng sẽ tập trung phát triển mạng lưới vận tải công cộng, nâng cao chất lượng dịch vụ và số lượng xe buýt; hoàn thiện và đưa vào khai thác 2 tuyến đường sắt đô thị: Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội. Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội nhìn nhận, bên cạnh những nỗ lực xây dựng, hoàn thiện mạng lưới, một nhiệm vụ khác cũng vô cùng quan trọng là cả hệ thống chính trị phải tích cực vào cuộc, tuyên truyền vận động để nâng cao ý thức, văn hóa tham gia giao thông của người dân Thủ đô.