Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nỗ lực vì sự hài lòng của người dân

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khảo sát đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với phục vụ của cơ quan hành chính do Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội chủ trì thực hiện và công bố mới đây cho thấy, Gia Lâm dẫn đầu các quận, huyện trên địa bàn, với 4/6 dịch vụ hành chính công đạt chỉ số tối đa 100%: Cấp giấy phép xây dựng nhà ở, cấp giấy khai sinh, cấp đăng ký kết hôn và cấp CMND.

Giải quyết đúng hạn

Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần khẳng định: Ngay đầu năm 2015, UBND huyện đã lập đoàn kiểm tra công vụ, liên tục kiểm tra, tái kiểm tra hoạt động của bộ phận một cửa từ huyện đến xã, thị trấn; kiểm tra theo kiến nghị của công dân... Qua đó, đã kịp thời rút kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ cho mọi phòng, ban, đơn vị; xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan.
Người dân giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa huyện Gia Lâm.
Người dân giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa huyện Gia Lâm.
Đáng chú ý, nhằm đẩy mạnh thực hiện một cửa, một cửa liên thông, UBND huyện chỉ đạo Phòng Tư pháp phối hợp với các phòng, ban liên quan, UBND xã, thị trấn tăng cường rà soát, đánh giá TTHC đang được thực hiện. Từ đó, đã kiến nghị sửa đổi bổ sung 48 thủ tục về LĐTB&XH và 1 thủ tục quản lý đô thị; sửa đổi 58 quy trình giải quyết TTHC và công việc nội bộ. Hiện đã có 5/269 TTHC thuộc thẩm quyền của huyện đạt mức độ 3 về dịch vụ công trực tuyến. Sau khi rà soát có 159 TTHC thuộc thẩm quyền cấp xã, UBND huyện yêu cầu đưa hết ra tiếp nhận, giải quyết tại Một cửa và áp dụng ISO 9001:2008. Ngoài ra, UBND huyện cũng chỉ đạo từ huyện đến xã tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hành chính vào sáng thứ Bảy.

Kết quả năm qua, trong số 13.405 hồ sơ cấp huyện đã tiếp nhận giải quyết, tỷ lệ đúng hạn đạt tới 98,7%; còn tại 22 xã, thị trấn, tỷ lệ này là 100%. Hòm thư, sổ góp ý… không nhận được phản ánh khiếu nại gì của người dân.

Không tự bằng lòng

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Gia Lâm Đào Xuân Trường chia sẻ: Để tăng tỷ lệ hài lòng trong lĩnh vực “Chứng thực” và “Cấp GCN QSD đất” (mới đạt 92,59% và 83,33%), UBND huyện đã chủ động hướng dẫn cán bộ về cấp GCN lần đầu; “chẻ nhỏ” các quy định, quy trình chi tiết tới tận 0,5 ngày để có cơ sở quy trách nhiệm rõ ràng; tăng cường kiểm tra công vụ, trong đó tháng 12/2015 vừa kiểm điểm trách nhiệm một số cá nhân vì để quá hạn cấp GCN. Không chỉ kiểm tra mà chúng tôi sẽ thanh tra công vụ về cấp GCN, có kỷ luật cụ thể.

Trong lĩnh vực chứng thực, ông Trường cho rằng nhiều nơi vẫn chưa được hài lòng cao chủ yếu do vướng thủ tục. Chẳng hạn trong cấp giấy khai sinh, theo quy định phải trả kết quả trong ngày, thẩm quyền lại do Phó Chủ tịch UBND ký. Tuy nhiên, tìm xác minh hồ sơ gốc thì đã mất gần một ngày, sau đó phải trình ký, nếu Phó Chủ tịch UBND không có ở cơ quan thì sẽ bị chậm trả cho công dân. “Huyện đã nhiều lần đề xuất phân cấp cho Trưởng phòng Tư pháp ký, nhưng chưa được duyệt. Tôi nghĩ, quy định nào qua thực tế bất cập thì cần sớm điều chỉnh để thuận lợi cho dân và cả cơ quan Nhà nước” - ông Trường nhấn mạnh.

Nhằm ngày càng tăng sự hài lòng của tổ chức, công dân, Phó Chánh văn phòng phụ trách một cửa huyện Gia Lâm Nguyễn Văn Quang cho biết: Từ tháng 1/2016, bộ phận Một cửa sẽ phát phiếu ngẫu nhiên để thu thập ý kiến về chất lượng phục vụ của cán bộ, công chức, giúp lãnh đạo huyện kịp thời chấn chỉnh. Sau khi đã cải tạo, hiện đại hóa bộ phận một cửa 10 xã, thị trấn với tổng mức đầu tư 1.872 triệu đồng trong năm 2015, huyện sẽ đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất cho bộ phận một cửa các xã còn lại, tăng cường tập huấn và đi sâu vào lựa chọn con người làm việc tại đây. Thực tế, cán bộ cấp huyện cơ bản đáp ứng yêu cầu nhưng trình độ năng lực cán bộ cấp xã còn nhiều hạn chế.