Phận nghèo nơi bản vùng cao
Giữa cái lạnh cắt da cắt thịt, đám trẻ trường tiểu học Mường Típ 1 vẫn cười đùa, mải mê với trò chơi nhảy dây sau giờ học. Sự ồn ào, tiếng cười khúc khích của đám trẻ khi thắng thua trong trò chơi khiến tôi cũng bị cuốn hút. Tôi lặng đi, nhìn vào những gương mặt xanh xao nhưng nụ cười như tỏa nắng của các em, dõi theo nhóm trẻ mải mê chơi nhảy dây mà quên đi cái mệt sau một ngày dài chạy xe gần 300 km đến với Mường Típ.
Đến Mường Típ khi trời đã về chiều, trên những bản làng xa được bao quanh bởi đồi núi cao vời vợi là những căn nhà sàn cao, thấp lô nhô. Khói bếp chiều tà, thêm cả những áng mây lờn vờn sau núi, khiến khung cảnh bản làng đẹp đến nao lòng. Bỏ xe lại trên con đường vừa mới được rải thảm nhựa ngoằn ngoèo, men theo con dốc sâu hút, tôi và thầy giáo Quang cùng anh bạn đồng nghiệp ghé thăm trường các em học sinh và giáo viên trường dân tộc bán trú Mường Típ 1, ngôi trường nằm cheo leo sát dòng Nậm Típ, lọt thỏm dưới chân cầu.
Trong ngôi nhà gỗ cũ kỹ tuổi đời chẳng biết từ thuở nào, thấy sự xuất hiện của người lớn, đám trẻ vội đứng lên rồi lí nhí mời các cô chú cùng ăn cơm. Bữa cơm chiều đạm bạc, với rau dưa, trứng gà, các cháu ăn một cách ngon lành. Có những đứa học lớp 1 nhưng ăn uống khéo léo, cẩn thận và nom hết sức nhanh nhẹn. Một cô nuôi bảo tôi, các con học bán trú ở đây ăn ngày ba bữa gồm sáng, trưa, tối, thực đơn được chuẩn bị theo tuần, theo ngày, theo bữa, dù mức chi phí thấp nhưng vẫn cố gắng để bảo đảm dinh dưỡng cũng như bữa cơm ngon lành cho các cháu.
Hơn 50 học sinh bán trú Mường Típ 1 về cơ bản đều có gia cảnh hết sức khó khăn, chông chênh trong cuộc sống. Có những em cách xa trường gần 20km đường rừng. Dù đang cái tuổi “biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”, nhưng với hoàn cảnh gia đình, học bán trú, các em phải tự mình làm tất cả mọi thứ xung quanh cuộc sống hàng ngày sau những giờ học trên lớp.
Nhìn độ tuổi ấy mà không nghĩ các em có thể tự lập tới mức gần như một người trưởng thành, khiến tôi rưng rưng, vừa mừng nhưng vừa thương. Mừng vì sự rắn rỏi đó rất cần thiết với 1 đứa trẻ vùng biên, sống trong những nghịch cảnh...thương vì tuổi còn nhỏ mà đã phải tự lập xa nhà, không có ai ngoài thầy cô giáo.
Thấy tôi chụp ảnh, em Lầu Y Xì (SN 2016) lớp 2A, Trường PTDTBT TH Mường Típ 1 nở nụ cười ngại ngùng rồi né tránh chiếc ống kính máy ảnh. Như đám bạn, được học bán trú với Xì là một may mắn, hoàn cảnh nghèo khó, hiện em ở với ông ngoại Lầu Tồng Xò ở bản Chà Lạt, xã Mường Típ, bố mẹ Xì li hôn, bỏ lại ba chị em ở với ông bà tuổi cao sức yếu. Nếu không có lớp học bán trú, không có sự chăm sóc của thầy cô nơi này có lẽ Xìa sẽ không thể đến trường tìm con chữ.
Bên chậu quần áo to gần bằng người mình, Xì quen thuộc với sinh hoạt giặt đồ của bản thân sau một ngày lên lớp. Bé Xì thành thục như một người lớn với công việc thường nhật ấy. Ánh mắt đăm chiêu, khuôn mặt bơ phờ vì cái lạnh miền biên mùa này, nhưng trên khuôn mặt ấy vẫn luôn hiện hữu nụ cười trong sáng, đáng yêu vô cùng.
Em Cụt Khăm Chinh, lớp 4A, Bản Na Mỳ, bố mẹ lấy nhau cận huyết, gia đình có anh chị em thì đều bị tàn tật; em Lô Bình Thân, lớp 2A, bản Vàng Phao, hoàn cảnh vô cùng khó khăn, chưa chưa có nhà để ở; em Loong Thị Hoài Niêm, mồ côi mẹ, bố lấy vợ 2 nên ở với ông bà...Các em bán trú tại Mường Típ 1 đều thuộc diện “đặc biệt”. Ở đây các em được trợ cấp ăn học hoàn toàn từ ngân sách Nhà nước, và tất cả đều hi vọng một tương lai tốt đẹp hơn.
Những người cha, người mẹ bất đắc dĩ
Gắn bó với trường Mường Típ 1, gắn bó với học sinh nghèo nơi bản vùng cao nơi đây, Hiệu phó trường Dân tộc bán trú Mường Típ 1 Võ Thanh Bình thấu cảm hết những vất vả, nhọc nhằn, thiếu thốn mà học sinh nơi đây đã và đang phải đối diện, cũng như sự nỗ lực trải qua mỗi ngày của các em. Cách xa trung tâm huyện lị huyện Kỳ Sơn trên 40km, ngôi trường biên giới này có 23 cán bộ giáo viên với 210 học sinh, trải qua biết bao gian truân, cơ sở vật chất nhà trường đã và đang dần vững chãi hơn.
Thầy Bình tâm sự, thương các em như con ruột mình, thấy các em vất vả, nhọc nhằn, bản thân giáo viên ai cũng sát cánh, chăm nom tận tình, đồng hành. Ngày thì lo dạy, đêm đỏ điện tới 21 giờ đêm để dạy bồi dưỡng thêm. Người thầy, người cô nơi ngôi trường này còn phải làm cha, làm mẹ thay phụ huynh các em. Chăm lo bữa cơm, dạy các em kỹ năng sinh hoạt, sống tập thể, ăn ngủ tập trung, vệ sinh các nhân...thậm chí còn dành thời gian chơi với các em, động viên các em khi ốm đau, nhớ nhà, nhớ bố mẹ, tỉnh giấc khóc òa giữ đêm khuya.
Giáo viên chủ yếu người miền xuôi, nhưng gắn bó với trường đã lâu, dạy qua biết bao thế hệ học sinh nơi đây. Như giáo viên Trịnh Cao Cường, một trong những người “cắm biên, cắm bản gieo chữ” thuộc diện “cổ thụ” với thâm niên công tác 20 năm.
“Thầy cô nơi này như bố mẹ các em, thay bố mẹ chăm lo, đồng hành cùng các em mọi thứ, không để các em thiếu con chữ đã đành, phải bảo đảm sức khỏe thể chất cho các em nữa, thậm chí còn sát sao, nắm bắt tinh thần động viên các em trong cuộc sống hàng ngày...Công tác trong điều kiện khó khăn nhưng chúng tôi những giáo viên vùng cao vẫn luôn tâm huyết, trách nhiệm, sẵn sàng cống hiến để góp phần giúp các em nơi mảnh đất này có được cuộc sống tốt hơn trong tương lai...” - Thầy Bình tâm tư.
Thương lắm, những “giáo viên cắm làng, cắm bản” vùng biên, cuộc sống sinh hoạt thiếu thốn, đến bữa ăn cũng chưa thể trọn vẹn 1 mâm cơm tươm tất. Họ sống như những “đóa hoa Anh Đào" nơi bản Phà Nọi, trong thời tiết khắc nghiệt vẫn trổ hoa đúng dịp. Tiếp nối bao thế hệ đi trước, họ là những người giáo viên thanh xuân gửi cả vào bản làng, vào biết bao thế hệ học sinh người Mông, Khơ Mú, Thái...
Rời Mường Típ khi làn sương đêm nặng hạt như mưa, cái lạnh miền biên mùa này như thấu da thấu thịt, chia tay các em, các thầy cô giáo trong bịn rịn, chúng tôi cũng chỉ gửi gắm lại những tâm tư, tình cảm và sự khâm phục với thầy trò nơi ngôi trường này, với hi vọng cuộc sống, công tác, học tập nơi mảnh đất biên cương ấy sẽ bớt gian truân hơn vào ngày mai, ngày kia...