Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nỗi ám ảnh nhà giàu… vượt khó!

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến giờ, dư luận vẫn băn khoăn, tại sao các cầu thủ Việt cứ tự biến mình thành những con thiêu thân lao vào thứ ánh sáng mang tên bán độ.

Phải chăng, vì một thời gian dài, bóng đá Việt không có thuốc đặc trị cho căn bệnh tiêu cực nên cầu thủ tiếp tục trượt dài vào vết xe đổ? Nhưng, cũng có ý kiến cho rằng, cầu thủ Việt làm "bậy" vì không chiến thắng được lòng tham.

Ít người biết rằng, khi dụ đồng đội tham gia dàn xếp tỷ số trận đấu, "thủ lĩnh" Trần Mạnh Dũng và Nguyễn Mạnh Dũng của đội Ninh Bình đưa ra lý do rất "lọt tai" rằng: "Thắng mãi mà lãnh đạo không cho tiền thưởng thì chúng ta hãy tự kiếm". Ý tưởng này lập tức đã được gần như cả đội hình Ninh Bình tán đồng bởi: "Dàn xếp tỷ số mà đội vẫn thắng thì chẳng ai có thể chê trách". Và rồi, tất cả đều biết, Ninh Bình đã thắng đối thủ yếu hơn trong trận cầu có nhiều bàn thắng. Hàng tiền đạo thì tích cực lao lên ghi bàn, nhưng ở tuyến dưới, các hậu vệ liên tục mở toang cánh cửa cho đối phương "nã đạn". Tất cả những gì họ làm là nhằm đảm bảo rằng, trận đấu đó sẽ có trên 4 bàn thắng, đúng với yêu cầu của nhà cái.

Đến giờ, vẫn có một số ý kiến tỏ ra cảm thông với các cầu thủ Ninh Bình và trách cứ lãnh đạo đội bóng đã không làm tròn trách nhiệm của mình. Số là trong một thời gian dài, đội bóng không được bơm đủ tiền. Cầu thủ thường xuyên bị nợ lương, nợ lót tay. Thêm nữa, điều mà các cầu thủ luôn mong mỏi sau mỗi chiến thắng là khoản tiền thưởng lại tuyệt nhiên không có. Bức xúc nhưng không dám phản ứng, muốn làm giàu nhưng ông chủ lại hết quan tâm, cuối cùng, nhóm cầu thủ Ninh Bình đã đi đến lựa chọn vô cùng sai lầm là tự kiếm "tiền thưởng" để rồi phải trả giá bằng sự nghiệp và tự do của mình.

Khi các cầu thủ Đồng Nai phạm pháp, nhiều người đã nghĩ đến kịch bản như từng xảy ra với Ninh Bình. Rằng, các cầu thủ vì không được quan tâm đúng mức nên làm liều. Thế nhưng, lãnh đạo đội bóng này nhanh chóng khẳng định rằng, luôn hoàn thành đúng trách nhiệm với cầu thủ. Tiền lót tay đã trả hết từ đầu mùa giải, lương tháng lên đến hàng chục triệu đồng. Đó là chưa kể đến khoản thưởng 400 - 500 triệu đồng cho một trận thắng. Tính ra, mỗi cầu thủ có thể kiếm 40 - 50 triệu đồng/tháng và với thu nhập như vậy, không thể nói là vì túng mà làm liều.

Đáng nói ở chỗ, phần lớn trong số các cầu thủ tham gia dàn xếp tỷ số đều thuộc dạng có thương hiệu. Nghĩa là họ từng kiếm được nhiều tiền thông qua các hợp đồng chuyển nhượng. Thậm chí, họ được coi là giàu có trong giới cầu thủ và mang đến sự sung túc cho cả gia đình. Nghiệt một nỗi, những gã nhà giàu ấy đã bị chảy máu khi dính phải "gai mồng tơi", bởi số tiền vài chục triệu đồng có được sau khi làm độ thật chẳng đáng là bao so với gia tài của họ. Thậm chí, nó chỉ đủ giúp họ trả cho một cuộc vui ở quán bar, vũ trường.

Cầu thủ Việt Nam rất giàu nhưng đã không chiến thắng được lòng tham và luôn tự đơn giản hóa những hành động sai trái của mình. Vậy nên, nhiều người cho rằng, bên cạnh việc dạy các cầu thủ chơi bóng, các ông thầy, những người làm bóng đá phải trang bị cho họ những kiến thức để chiến thắng được lòng tham luôn tiềm ẩn trong mỗi con người.