Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nỗi buồn môn Sử!

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Điểm Lịch sử bị xếp “đội sổ” trong 9 môn thi trong Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019.

 Nhiều chuyên gia, giáo viên Lịch sử cho biết họ không bất ngờ điểm thi thấp vì nó phản ánh đúng thực trạng dạy và học môn này ở trường phổ thông cũng như cách thi cử hiện nay.
Lịch sử không được coi trọng
Có tới 569.905 thí sinh đăng ký dự thi môn Lịch sử, nhiều nhất so với môn Địa lý và Giáo dục công dân. Đề thi Lịch sử không có nhiều câu khó, tuy nhiên, điểm trung bình lại thấp nhất: 4,30; thậm chí có tới 15.415 thí sinh bị điểm liệt từ 1 trở xuống.
GS.TS Phạm Hồng Tung - Viện trưởng Viện Việt Nam học & Khoa học phát triển, Đại học (ĐH) Quốc gia Hà Nội chia sẻ: Lịch sử, Tiếng Anh có điểm trung bình rất thấp là điều bất thường và nỗi buồn lớn của ngành giáo dục nước nhà. Thi trắc nghiệm là hướng đi đúng của Bộ GD&ĐT nhưng kỹ thuật ra đề thi trắc nghiệm là bài toán khó giải.
 Thí sinh làm bài thi môn Lịch sử tại Hà Nội trong kỳ thi THPT quốc gia 2019. Ảnh: Phạm Hùng
Vẫn rải rác ở đâu đó đề thi trắc nghiệm có dấu hiệu lỗi hoặc chưa đạt yêu cầu. Có giáo viên Lịch sử khẳng định, đề Lịch sử THPT quốc gia năm nay có những câu hỏi lắt léo, khó hiểu, phương án không tường minh.
Thầy Trần Trung Hiếu - giáo viên Lịch sử trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) bất ngờ vì nó thể hiện cách học, hành xử của học sinh hiện nay.

Có nhiều ý kiến đồng tình mở rộng khối thi/tổ hợp có môn Lịch sử. Bởi trong bối cảnh đất nước hội nhập, hướng tới toàn cầu hóa, việc chú trọng học Lịch sử, Văn học và Giáo dục công dân để giữ được hồn cốt văn hóa dân tộc Việt là vô cùng quan trọng. Do vậy, Lịch sử phải là bộ môn được coi trọng trong các nhà trường phổ thông cũng như có vị trí xứng đáng như các môn học khác.

“Thi trắc nghiệm thì học trò càng lười học. Nhiều học sinh lựa chọn Lịch sử để thi không phải vì các em yêu thích. Các em nghĩ bài thi tổ hợp Khoa học xã hội dễ kiếm điểm, đảm bảo an toàn xét tốt nghiệp THPT và vừa để xét tuyển vào đại học... Do hành xử, nhận thức về việc học và thi Sử, cách thi trắc nghiệm làm cho môn học này ngày càng tệ hại hơn” - thầy Trung Hiếu nói.
Đồng quan điểm, cô Trần Thị Thanh Hương - nguyên giáo viên dạy Lịch sử, trường THPT Nguyễn Trãi (quận Ba Đình, Hà Nội) chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng môn Lịch sử hiện nay. Lịch sử là môn phụ, có vị trí thấp nhất trong số 13 môn học ở trường THPT, sự lựa chọn cuối cùng của thí sinh khi đăng ký kỳ thi THPT Quốc gia.
Học Lịch sử không có giá trị sử dụng vì sau này rất khó tìm việc, trong khi chương trình nặng nhưng thời gian dạy rất ít, nhiều kiến thức trong sách giáo khoa mang tính áp đặt khiến học sinh không hứng thú.
Mở rộng khối thi có môn Lịch sử
Cho dù đề thi đã giảm tương đối yêu cầu ghi nhớ, nhưng việc dạy và học Lịch sử vẫn theo cách cũ. Từ quan điểm này, GS Phạm Hồng Tung đề nghị, cần có giải pháp để học sinh yêu môn Lịch sử một cách thực tiễn. Học Lịch sử thực sự là cơ sở để hướng tới những ngành nghề, trước hết là Du lịch và Công nghiệp văn hóa. Cách dạy Lịch sử cũng phải thay đổi, chứ không phải chỉ là ghi nhớ ngày tháng, diễn biến sự kiện.
 
Một nguyên nhân khiến học sinh ít say mê môn Lịch sử bởi hiện nay các trường ĐH tuyển sinh lựa chọn rất ít khối/tổ hợp có môn Lịch sử. Đây là câu chuyện có tính chất toàn cầu. Ở châu Âu, khi sinh viên học ngành CNTT ra trường có mức lương từ 3.500 - 5.000 euro/tháng thì những người học ngành lịch sử, nghệ thuật, văn hóa kiếm được công việc tốt mức lương cũng chỉ 2.000 euro.
Thực tế ở trong nước, đa số các trường ĐH xét tuyển sinh các ngành đều là khối A, A1, B, D; còn các ngành xét tuyển khối C và các khối khác có môn Lịch sử thì rất ít. Số trường xét tuyển tổ hợp có môn Lịch sử chỉ đếm trên đầu ngón tay, chẳng hạn như ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội...
“Nhưng đó là câu chuyện từ trước đến nay. Còn từ nay về sau, theo đánh giá của nhiều cơ quan chiến lược, gợi ý, những tổ hợp kết hợp chặt chẽ giữa khoa học, kỹ thuật, công nghệ, tự nhiên với văn hóa, nghệ thuật ngày càng cao. Điều này đồng nghĩa với những tổ hợp có yếu tố xã hội (Văn học, Lịch sử, Mỹ thuật, Kiến trúc) sẽ ngày càng "hot".
Chính vì thế, cho dù tuyển sinh là công việc tự chủ của các trường đại học, tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ, Bộ GD&ĐT, Bộ LĐTB&XH có chỉ đạo, định hướng cho các trường lựa chọn tổ hợp có môn Lịch sử” - GS Phạm Hồng Tung đề nghị.

Điểm chuẩn khối C, D có thể giảm 0,5 điểm

Phổ điểm thi môn Ngữ văn kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 cho thấy, điểm trung bình là 5,49. Cả nước không có thí sinh nào đạt điểm 10, chỉ có 17 thí sinh đạt điểm 9,5. Trong khi đó có 1.265 thí sinh bị điểm liệt (từ 0 - 1 điểm) và 241.615 thí sinh bị điểm dưới trung bình. Các giáo viên Ngữ văn nhận định đề thi Ngữ văn bao quát, bám sát chương trình sách giáo khoa, có đầy đủ các mức độ nhận thức, tính phân loại cao. Đề thi phù hợp cho mục đích xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Theo thầy Đặng Ngọc Khương - giáo viên Ngữ văn trường THPT Chuyên ngữ Hà Nội, dựa vào phổ điểm môn Ngữ văn kỳ thi THPT quốc gia 2019, dự kiến, điểm chuẩn xét tuyển khối C, D và các tổ hợp có môn này của các trường đại học có thể giảm xuống 0,5 điểm so với năm 2019.