Thậm chí những mặt hàng đó là thế mạnh của DN Việt và đang xuất khẩu sang các thị trường khác. Trong khi đó, cũng là các nước trong khối ASEAN nhưng Indonesia, Philippines lại không để hàng hóa của Thái Lan thâm nhập sâu rộng như tại thị trường Việt Nam.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Bên cạnh việc thực hiện lộ trình giảm thuế theo cam kết trong ATIGA nên nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Thái Lan đã được hưởng thuế suất thuế ưu đãi theo cam kết thì có một thực tế là nhiều DN từ quốc gia này đã thiết lập kênh phân phối vững chắc và đang tiếp tục mở rộng thị trường tại Việt Nam. Các tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Thái Lan như Central Group, TCC Group… đã mua bán, sáp nhập các chuỗi bán lẻ tại Việt Nam thời gian qua và có kế hoạch tiếp tục mở rộng thêm nữa. Vì thế hàng Thái tràn vào là lẽ đương nhiên. Bên cạnh đó, DN Thái Lan cũng mạnh tay bỏ ra những khoản đầu tư không nhỏ cho các hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường Việt Nam. Hàng năm, có khoảng 12 đến 20 hội chợ hàng Thái được Bộ Thương mại Thái Lan (Cục Xúc tiến xuất khẩu), Hiệp hội DN Thái, DN tư nhân của Việt Nam tổ chức. Trong khi người tiêu dùng Việt Nam vẫn có tâm lý ưa chuộng hàng Thái, cả về giá cả, mẫu mã và chất lượng, đặc biệt là các mặt hàng điện, điện tử, sản phẩm gia dụng, hoa quả và hàng tiêu dùng khác, cũng là nguyên nhân khiến cho nhập siêu từ Thái Lan vào Việt Nam tăng mạnh.Đã có không ít những cảnh báo về thực trạng hàng Thái lấn át hàng Việt ngay tại thị trường trong nước. Nhưng có vẻ như DN trong nước vẫn bị động trong khi cơ quan chức năng lại thiếu những giải pháp căn cơ cho vấn đề này. Nhập siêu 8 tháng qua cho thấy thực trạng này cần sớm khắc phục để giảm dần tình trạng nhập siêu, hướng tới một cán cân thương mại giữa hai nước cân bằng hơn trong thời gian tới. Nó không chỉ giúp kiểm soát nhập khẩu bằng mọi giá mà còn thể hiện rõ năng lực sản xuất và năng lực cạnh tranh của DN trong nước. Điều này không chỉ vì cộng đồng DN trong nước mà nó còn là vấn đề của nền kinh tế trong quá trình hội nhập.