Điều khiến thân nhân của những người bị nạn và dư luận Hàn Quốc bức xúc là nguyên nhân của vụ tai nạn thảm khốc này nhiều khả năng là do sự bất cẩn của con người.
Hy vọng mong manh
Trên bến phà Bengmok hay trong Nhà thi đấu quận Chindo, hình ảnh hàng trăm thân nhân người bị nạn đau đáu nhìn về phía con phà bị đắm khiến nhiều người không cầm nổi nước mắt. Mỗi khi cảnh sát đưa một thi thể lên bờ, trái tim của những ông bố, bà mẹ của gần 200 học sinh vẫn còn mất tích như thắt lại. Nhiều người trong số họ đã không chịu nổi sự mất mát đã phải nhập viện, những người còn lại thậm chí còn xô xát với cảnh sát vì căng thẳng, mệt mỏi. Đặc biệt, việc Hiệu phó trường Danwon được cứu sống trong vụ chìm phà SEWOL đã tự sát làm dấy lên quan ngại về nguy cơ thân nhân nhiều nạn nhân vì quá đau khổ sẽ làm theo.
Thân nhân hành khách mất tích xô đẩy lực lượng bảo vệ bờ biển trên đảo Jindo. Ảnh: AP
|
Dù lực lượng cứu hộ gần 1.000 người đã hoạt động không ngừng nghỉ bất chấp điều kiện khắc nghiệt nhưng hy vọng đang tắt dần khi các chuyên gia cho biết, những nạn nhân khó có thể sống sót trong vòng 72 giờ ngay cả khi các túi khí oxy đã được bơm vào trong các khoang.
Tính đến tối 20/4 (theo giờ địa phương), đã có ít nhất 58 người thiệt mạng, hơn 200 người vẫn mất tích trong tổng số 476 người có mặt trên chiếc phà SEWOL. Phần lớn trong số hành khách là học sinh trường Trung học Danwon gần Seoul. Trong nỗ lực khẩn trương điều tra nguyên nhân vụ tai nạn, hôm 19/4, chỉ huy phà SEWOL và 2 thành viên tổ lái đã bị bắt giữ. Theo điều tra ban đầu, việc trao tay lái cho người chưa từng có kinh nghiệm trong điều khiển phà là nguyên nhân chính khiến chiếc phà bị chìm. Nghiêm trọng hơn, sự chậm trễ trong cách xử lý tình huống đã khiến hàng trăm người bị mắc kẹt, không kịp thoát thân.
Hỗ trợ công dân Việt Nam trong vụ chìm phà
Điều đáng nói là trong số những nạn nhân xấu số trên phà SEWOL có cả công dân Việt Nam. Theo Cảnh sát TP Busan, bé gái Kwon Ji-yeon (5 tuổi) - hành khách nhỏ tuổi nhất được cứu và đưa vào bờ là con trong một gia đình đa văn hóa Việt - Hàn. Phòng Lãnh sự Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đã xác nhận, mẹ của Kwon Ji-yeon là chị Phan Ngọc Thanh, sinh năm 1985 tại Cà Mau. Chị Thanh lấy chồng rồi nhập quốc tịch Hàn Quốc năm 2013, đang sinh sống tại Seoul cùng chồng và 2 con, một bé trai 6 tuổi và bé Kwon Ji-yeon. Gia đình chị đã quyết định chuyển đến đảo Jeju để sinh sống, lập nghiệp nhưng dự định này sẽ mãi dang dở khi chỉ có bé Kwon Ji-yeon được cứu sống.Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đã cử cán bộ xuống hiện trường tại quận Chindo từ ngày 18/4 để nắm bắt tình hình và hỗ trợ bé Kwon Ji-yeon trong những ngày tới, đồng thời phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Gia đình và Bình đẳng giới, Cơ quan Cảnh sát biển Hàn Quốc để tiếp tục xử lý vụ việc.