Theo các nhà quan sát, quyết định đóng cửa USAID tại Nga từ ngày 1/10 dù chỉ ảnh hưởng tới 13 nhà ngoại giao Mỹ và 60 nhân viên địa phương nhưng đã trở thành vật cản cho quá trình "tái khởi động" quan hệ mà Moscow - Washington tiến hành từ 3 năm nay. Đặc biệt, tuy Điện Kremli khẳng định xã hội Nga không cần tới "sự lãnh đạo từ bên ngoài" nhưng các thế lực đối lập chắc chắn sẽ chưa từ bỏ ý đồ can thiệp vào xứ sở Bạch Dương. Vì thế, cuộc chiến nhằm chống lại những âm mưu hậu thuẫn cho các phong trào chống Chính phủ Nga ẩn dưới những cái tên mỹ miều như "mùa xuân Slav", "cách mạng Tuyết"... chắc chắn sẽ còn phải đối mặt với nhiều lần nổi gió nữa.
Giữa lúc, làn sóng phản đối bộ phim "Sự vô tội của người Hồi giáo" trong thế giới Ả Rập vẫn chưa lắng xuống, tạp chí Charles Hebdo của Pháp lại "đổ thêm dầu vào lửa" khi đăng tải những bức biếm họa đả kích đấng tiên tri Mohamed. Thậm chí sau khi những người Hồi giáo tìm cách thu mua toàn bộ ấn bản trên để đốt, tạp chí này không hề che giấu ý định sẽ tái bản thêm. Động thái này một lần nữa đặt ra câu hỏi, mục đích thật sự của những bên có liên quan khi quyết định "khiêu khích" thế giới Ả Rập dù biết chắc chắn hành động này sẽ gây ra sóng gió trên chính trường thế giới. Nếu các bên không cân nhắc cẩn trọng, bất kỳ một bước đi không hợp lý nào vào thời điểm này cũng sẽ trở thành làn gió ngược thổi bùng tia lửa xung đột giữa các tôn giáo và khi đó một cuộc chiến giữa những nền văn minh chắc chắn sẽ xảy ra.
Tại Đông Á, sau hơn một tuần leo thang các cuộc biểu tình chống Nhật Bản tại Trung Quốc vì tranh chấp lãnh thổ, cả Tokyo và Bắc Kinh đều đã cảm nhận được sức nóng từ những thiệt hại nặng về kinh tế. Trung Quốc vừa kêu gọi Nhật Bản nối lại đàm phán về vùng lãnh thổ tranh chấp, trong khi trước đó Tokyo đã đưa ra sáng kiến tương tự. Những động thái này cho thấy, Trung - Nhật không hề muốn căng thẳng hiện nay châm ngòi cho một cuộc chiến tranh thương mại, càng không muốn đẩy nó thành cuộc xung đột về vũ trang. Dù còn tồn tại nhiều nguy cơ gây bất ổn nhưng những thiệt hại kinh tế, xã hội, ngoại giao mà Trung - Nhật gặp phải sẽ là lý do để tất cả các nước liên quan đến vấn đề tranh chấp lãnh thổ tại khu vực Đông Á phải cân nhắc trước khi khơi mào cho bất cứ một cuộc đối đầu nào.