Kinhtedothi - Ngày 26/11, UBND TP Hà Nội tổ chức cuộc họp giao ban về công tác lập quy hoạch (QH) và quản lý QH xây dựng; quản lý hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn TP năm 2013. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đánh giá, thông qua công tác điều hành, quản lý, Hà Nội đã rút kinh nghiệm và đưa ra nhiều giải pháp khắc phục những tồn tại mang tính "thâm căn cố đế" của các đô thị lớn như vấn đề QH, ùn tắc giao thông, môi trường...
Tuyến Trần Phú - Kim Mã, một trong 10 đồ án được phê duyệt thiết kế đô thị. Ảnh: Thanh Hải
|
Những nỗ lực được ghi nhận
Sau khi QH chung xây dựng Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TP đã chỉ đạo đẩy nhanh, hoàn thành công tác lập các loại QH xây dựng đô thị; các QH chuyên ngành, các đề án, kế hoạch dài hạn và hàng năm, làm cơ sở để các cấp thực hiện. Đến thời điểm này, theo báo cáo của Sở QH - KT đã có 19 đồ án đang được hoàn thiện để xin ý kiến Bộ Xây dựng và trình phê duyệt. Dự kiến trong năm 2013 hoàn thành, thông qua Tập thể UBND TP 31/32 đồ án. Đến thời điểm này, 12 đồ án QH phân khu đã được phê duyệt, 7 đồ án phân khu khác đã thông qua Tập thể UBND TP... Hiện, TP đã chỉ đạo tổ chức triển khai nghiên cứu 10 đồ án thiết kế đô thị, trong đó tuyến Trần Phú - Kim Mã đã được phê duyệt thiết kế đô thị và đang triển khai thực hiện. 100% trong tổng số 401 xã của Hà Nội đã lập đề án và tổ chức lập xong QH xây dựng nông thôn mới.
Về QH chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, QH cấp nước, thoát nước của Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các QH như xử lý chất thải rắn, QH nghĩa trang, giao thông vận tải đang trình Bộ Xây dựng thẩm định. 31 đồ án QH hạ tầng kỹ thuật đã được TP phê duyệt, trong đó có QH hệ thống thủy lợi, QH cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, QH phát triển điện lực của 29 quận, huyện.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi đánh giá, số lượng đồ án QH đã được thực hiện trong thời gian qua là rất lớn. Kết quả này thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của TP và sự quyết tâm của các sở, ngành, quận, huyện. Bên cạnh đó, trong năm 2013, giao thông là một trong những vấn đề nổi bật. Các ngành, các đơn vị đã có sự kết hợp đồng bộ, tuyên truyền kết hợp với xử lý nghiêm vi phạm, đầu tư hạ tầng và tăng cường hệ thống giao thông công cộng... Từ 127 điểm có nguy cơ ùn tắc cao nay đã giảm xuống còn 54 điểm.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo ghi nhận, sau gần 3 năm, kể từ khi có QH chung, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong quản lý và phát triển đô thị. Trong đó, đầu tư xây dựng hạ tầng và quản lý khai thác là một trong những khâu đột phá, chiến lược của Thủ đô trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Cần khách quan về điều chỉnh quy hoạch
Nhận định về động lực tạo nên những bước chuyển biến trong phát triển đô thị thời gian qua, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cho rằng, Hà Nội đã có những bước đi đột phá, vận dụng được những khoa học trong quản lý đô thị, quản lý QH. Có thể kể đến như việc mạnh dạn đề xuất chủ trương, chính sách di chuyển cơ sở sản xuất, trường cao đẳng, đại học, sắp xếp lại cơ quan T.Ư.
Cầu vượt nhẹ tại nút giao Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân hoàn thành đã góp phần giảm ùn tắc giao thông cho Hà Nội. Ảnh: Hải Linh
|
Về những nhược điểm, hạn chế, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cho rằng, những bất cập, tồn tại trong QH, quản lý QH và xây dựng, quản lý đô thị còn nhiều. Đây là những vấn đề luôn được xã hội quan tâm và không ngày nào "vắng mặt" trên các tờ báo. Xung quanh việc xây dựng nhà vệ sinh công cộng trong những ngày qua, Chủ tịch chỉ rõ: "Dư luận xã hội đặt ra câu hỏi, tại sao chi phí cho một nhà vệ sinh công cộng lại bằng một căn hộ cho người thu nhập thấp? Đó là do cơ quan tham mưu chưa làm rõ những vấn đề về khoa học, kỹ thuật, chưa đánh giá mức độ cần thiết đầu tư của từng vị trí, chưa công khai đủ thông tin".
Chủ tịch UBND TP đánh giá, chất lượng của một số đồ án QH chưa đảm bảo chất lượng, có dự án phải điều chỉnh QH nhiều lần, làm chậm tiến độ, gây bức xúc và tạo hình ảnh không tốt về môi trường đầu tư. Việc điều chỉnh QH là cần thiết trong điều kiện thực tế thay đổi và là vấn đề được pháp luật quy định. Cần nhìn nhận khách quan về việc điều chỉnh QH. Chủ tịch yêu cầu, các QH điều chỉnh phải tuân thủ quy định, quy chuẩn để QH sau điều chỉnh thực sự có chất lượng. Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần kiên quyết nói "không" với các đồ án, dự án không đủ điều kiện để điều chỉnh, không dây dưa làm mất thời gian của cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Cần công khai quá trình lập QH, tăng cường kỷ cương pháp luật trong QH và đầu tư xây dựng, khai thác hạ tầng kỹ thuật.
Về vấn đề phân cấp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo yêu cầu tăng cường lực lượng làm quy hoạch và quản lý quy hoạch, đi cùng với đó là cải cách hành chính và tăng cường phân cấp. Tránh tình trạng dễ thì làm, khó đẩy xuống; tránh việc không đủ năng lực mà vẫn phân cấp. Đặc biệt là không cào bằng trong phân cấp cho các địa phương. |