Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nỗi lo biến thể virus của Ấn Độ lây lan trong cộng đồng

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng rất hiện hữu khi Việt Nam xuất hiện chủng virus biến thể từ Ấn Độ. Bên cạnh đó, liên tiếp những ngày qua, một số trường hơp sau cách ly 14 ngày, trở về nhà mới phát hiện nhiễm Covid-19 khiến dịch lây lan trong cộng đồng. Ngày 4/5, Bộ Y tế khẩn cấp yêu cầu kéo dài thời gian thời gian cách ly, kể cả họ đủ 2 lần xét nghiệm âm tính.

Xuất hiện chủng virus của Ấn Độ tại Việt Nam
Chiều 4/5, Bộ Y tế thông tin, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã tiến hành lấy mẫu ở những bệnh nhân mắc Covid-19 tại Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hưng Yên, Hà Tĩnh để làm xét nghiệm giải trình tự gene, giúp xác định nguồn gốc. Theo đó, tại Vĩnh Phúc, Viện đã lấy 3 mẫu của 3 bệnh nhân mắc Covid-19 là những nhân viên quán bar Sunny, cho kết quả thuộc chủng B.1.617.2, là biến thể của Ấn Độ. Tại Hà Nam lấy 6 mẫu, Hưng Yên lấy 2 mẫu, Hà Tĩnh lấy 2 mẫu (2 bệnh nhân mắc Covid-19 từ Lào sang Việt Nam qua đường bộ) đều cho kết quả thuộc chủng B.1.1.7, là biến thể của Anh.

Theo các nhà dịch tễ, chủng B.1617 của Ấn Độ là đột biến kép của virus, chủng này có 3 biến thể: 1617.1; 1617.2, 1617.3. Những ca bệnh ở quán bar Sunny (Vĩnh Phúc) rơi vào nhánh biến thể thứ 2 là B.1.617.2. Chủng virus Ấn Độ được cho là có thể làm lây lan nhanh hơn và có dấu hiệu làm giảm tác dụng của vaccine, nên được gọi là chủng virus biến thể kép.
 Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân tại xã Việt Hùng, huyện Đông Anh. Ảnh: Giang Huy
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chủng biến thể mới này được xem là nguyên nhân dẫn tới sự bùng phát dịch Covid-19 tại Ấn Độ trong suốt thời gian qua và dịch chưa có dấu hiệu dừng lại. WHO cho biết các nghiên cứu đều chỉ ra rằng làn sóng dịch thứ hai tại Ấn Độ có tốc độ lây lan nhanh hơn nhiều so với làn sóng đầu tiên, đa số các ca bệnh đều liên quan đến chủng biến thể. Bên cạnh đó, các hoạt động tụ tập đông người và việc người dân phớt lờ các biện pháp phòng dịch cũng là những yếu tố khiến tình hình dịch bệnh tại quốc gia đông dân thứ 2 thế giới này thêm trầm trọng.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, từ ổ dịch ở Hà Nam, Vĩnh Phúc, hiện đã phát hiện các trường hợp liên quan tại nhiều tỉnh, TP như Hà Nội, Yên Bái, Đà Nẵng. Vì vậy, điều quan trọng nhất cần làm là thần tốc truy vết, chạy đua với SARS-CoV-2 và chặn đứng con đường lây của virus. Các địa phương cần rà soát, tìm kiếm và cách ly toàn bộ F1, F2 và xét nghiệm sớm. Thời gian càng lâu, virus càng đi xa hơn và lây lan khắp nơi.

Trước bài học về sự lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, đặc biệt là sự xuất hiện chủng virus Ấn Độ tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tiếp tục kêu gọi người dân chung tay dập dịch và tuân thủ nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế, đặc biệt là đeo khẩu trang, không tập trung và khai báo y tế.

Kéo dài thời gian cách ly

Trước đó, Hà Nội ghi nhận trường hợp chuyên gia Ấn Độ sau cách ly 14 ngày, trở về nhà thì phát hiện nhiễm Covid-19. Điều may mắn, qua xét nghiệm ban đầu, toàn bộ người thân và và các cư dân sinh sống tại tầng 24, Park 10 đã có kết quả âm tính với SARS-CoV-2.

Trước đó, trường hợp khác là bệnh nhân 2899 sau khi kết thúc cách ly tập trung tại Đà Nẵng cũng đã phát hiện nhiễm Covid-19 và gây ra chùm ca bệnh ở Hà Nam. Nhớ lại, ở làn sóng dịch lần thứ 3, Hà Nội cũng ghi nhận một trường hợp người Nhật Bản sau cách ly 14 ngày mới phát hiện dương tính và lây dịch ra cộng đồng.

Không chỉ vậy, hàng loạt trường hợp lây nhiễm chéo trong khu cách ly, lây nhiễm từ người cách ly ra cộng đồng, sự lỏng lẻo trong việc giám sát sau cách ly khiến những ngày qua, dịch Covid-19 đã lan rộng tại nhiều địa phương. Từ đó cho thấy “lỗ hổng” cách ly nếu không được lấp đầy sẽ gây hậu họa khôn lường.

Trong thời gian qua, hầu như ngày nào Bộ Y tế cũng công bố ca mắc mới là người nhập cảnh, điều đó cho thấy, tỷ lệ người nhập cảnh mắc Covid-19 khá cao, thậm chí họ mang cả biến chủng mới vào Việt Nam. Do đó, nếu không cách ly tuyệt đối và quản lý nghiêm ngặt, họ sẽ trở thành nguồn nhiễm trong cộng đồng. Những người hết cách ly, về cộng đồng mới phát hiện nhiễm Covid-19 là vô cùng nguy hiểm, dễ khiến dịch bệnh lây lan, bùng phát.

Với những ca lây nhiễm trên, theo ông Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cần phải điều tra dịch tễ để xác định chính xác nguồn lây. Hiện chưa thể kết luận bệnh nhân dương tính sau 14 ngày cách ly là do thời gian ủ bệnh trên 14 ngày hay họ nhiễm tại cộng đồng.

Tuy nhiên, trước tình trạng ghi nhận nhiều ca Covid-19 sau cách ly, ngày 4/5, Bộ Y tế ra thông báo khẩn gửi CDC các địa phương về việc tạm thời chưa giải quyết kết thúc và cho ra khỏi khu cách ly tập trung với tất cả các trường hợp đã đủ điều kiện hết 14 ngày, kể cả 2 lần xét nghiệm cho kết quả âm tính.

Một chuyên gia y tế tại Hà Nội cho rằng, việc kéo dài thời gian cách ly là vô cùng cần thiết. Cách ly có thể gây tốn kém về nhiều thứ, nhưng để đánh đổi cho sự an toàn của cộng đồng vẫn là điều nên làm. 

Bộ Y tế kêu gọi mọi người dân:

1. Hạn chế đến nơi công cộng, tụ tập đông người không cần thiết.

2. Không được chủ quan, lơ là. Luôn đề cao cảnh giác phòng chống dịch, khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ nhập cảnh trái phép cần lập tức thông báo ngay cho chính quyền địa phương để tổ chức cách ly, xử lý kịp thời.

3. Thực hiện tốt Khuyến cáo 5K (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế) đề phòng, chống dịch Covid-19.

4. Liên hệ với đường dây nóng Bộ Y tế: 1900.9095 để được tư vấn khi cần thiết.

Vì lợi ích của đất nước, cộng đồng và của chính mình, mỗi người dân Việt Nam hãy đồng lòng quyết tâm giữ vững thành quả đã đạt được trong phòng, chống dịch Covid-19.