Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nỗi lo của làng tăm hương Quảng Phú Cầu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã nhiều đời nay, người dân xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa) gắn bó với nghề làm tăm hương. Tăm hương là một nghề tất bật quanh năm, dù không giàu nhưng người làm nghề cũng chẳng bao giờ lo đói.

Sống “khỏe” vào nghề phụ

Nằm ven QL21, xã Quảng Phú Cầu vẫn là địa phương thuần nông. Những năm qua, tác động của sâu bệnh dịch hại, ô nhiễm nguồn nước khiến sản xuất nông nghiệp nơi đây thêm phần khó khăn. Thu nhập của bà con nông dân cũng có phần giảm sút. Dù vậy, nhiều năm qua, người dân nơi đây vẫn may mắn có cuộc sống ổn định nhờ vào một “nghề phụ”, đó là làm tăm hương.

Không ai biết nghề chẻ tăm hương có tự bao giờ, nhưng theo bà Khiêm Thị Luyến (SN 1947), ở thôn Phú Lương Thượng, từ thời cụ ông, cụ bà của bà đã truyền tay nhau nghề làm tăm hương. Nói là nghề phụ, nhưng làm tăm hương lại là nghề cho thu nhập tương đối khá. Nhanh tay chẻ từng thanh vàu, bà Luyến cho hay, chỉ dăm năm trở lại đây thôi, số hộ đầu tư mua máy chẻ tự động, rồi thu mua vàu sơ chế về làm tăm hương đã lên tới hàng trăm. Những người không có điều kiện đầu tư máy móc sản xuất, có tuổi như bà thì đi làm công khoán. Cứ 100kg vàu nguyên liệu sơ chế thô, bà được trả khoảng 16.000 đồng. Nếu chăm chỉ, mỗi ngày một lao động có thể chẻ được từ 400 - 500kg vàu.
Tăm hương được phơi ven những con đường  chạy dọc xã Quảng Phú Cầu.
Tăm hương được phơi ven những con đường chạy dọc xã Quảng Phú Cầu.
Ông Đặng Văn Nghiêm - Trưởng thôn Phú Lương Thượng cho hay, cả xã Quảng Phú Cầu có 5 thôn thì thôn nào cũng có người tham gia làm tăm hương, trong đó, thôn Phú Lương Thượng là đông nhất. Cả thôn có trên 400 hộ thì gần như nhà nào cũng có người tham gia vào một trong các công đoạn của quy trình làm tăm hương. Theo ông Nghiêm, đây là công việc cho thu nhập tốt, không quá vất vả, lại có thể tranh thủ làm bất cứ khi nào nên được người dân nơi đây rất quan tâm.

Còn đó những nỗi lo

Sản phẩm vàu thô được các cơ sở sản xuất tăm hương thu mua, phơi khô. Sau đó được đưa vào hệ thống máy chẻ tự động để cho ra những chiếc tăm hương tròn đều tăm tắp. Sản phẩm được bán buôn cho các tiểu thương các tỉnh, TP để “xe hương” thành phẩm, phân phối tại các thị trường trong, ngoài nước. Thực tế, tại xã Quảng Phú Cầu hiện vẫn còn 3 – 4 hộ “xe hương”. Tuy nhiên, đây là công đoạn khá phức tạp nên người dân chủ yếu tập trung sản xuất sản phẩm thô (vàu chẻ), rồi cung cấp cho tiểu thương các tỉnh, TP.
Ở Quảng Phú Cầu, gần như gia đình nào cũng có người tham gia làm nghề tăm hương.
Ở Quảng Phú Cầu, gần như gia đình nào cũng có người tham gia làm nghề tăm hương.
Vấn đề ô nhiễm cũng được người dân nơi đây quan tâm. Hiện, tình trạng ô nhiễm bụi, tiếng ồn từ quá trình chẻ vàu tự động bằng máy đang ngày một nghiêm trọng. Dù địa phương đã có quy hoạch cụm công nghiệp tập trung rộng khoảng 10ha; tuy nhiên, mới chỉ chuyển được một số hộ làm nghề tái chế rác tới sản xuất tại đây.

Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu Lê Văn Dịu cho hay, nghề làm tăm hương đang góp phần quan trọng nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Tuy nhiên, bà con hiện mới tập trung sản xuất được sản phẩm thô là tăm hương. Vì vậy, thời gian tới, rất mong Phòng Kinh tế huyện, các sở, ban, ngành TP quan tâm, hỗ trợ vốn, kỹ thuật sản xuất, kênh tiêu thụ để đầu tư xây dựng thí điểm những cơ sở sản xuất hương; đưa nghề này trở thành mô hình kinh tế có giá trị cao của địa phương.

Liên quan tới vấn đề ô nhiễm, ông Dịu cho biết, nhờ được thông tin tuyên truyền, nhiều hộ dần nhận thấy ảnh hưởng của nghề đối với môi trường sống nên đã chủ động di dời cơ sở sản xuất ra xa khu dân cư. “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động, hỗ trợ các hộ sản xuất tăm hương di chuyển vào cụm công nghiệp tập trung nhằm giảm thiểu tác động của bụi, tiếng ồn đối với cuộc sống người dân” – ông Dịu nói.