Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nỗi lo nợ xấu gia tăng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ 1/6, Thông tư 02/2013/TT-NHNN về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro chính thức được áp dụng. Khi nợ xấu được phân loại theo chuẩn quốc tế, tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng trong nước chắc chắn sẽ tăng lên.

Nỗi lo về "cục máu đông" này càng căng thẳng trong bối cảnh việc mua nợ của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) vẫn rất chậm chạp.

Xử lý nợ xấu chậm

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay, sự quan ngại về việc thực hiện Thông tư 02 sẽ ảnh hưởng đến các bên liên quan và cả nền kinh tế là có cơ sở. Nếu phân loại nợ xấu một cách nghiêm túc, bản thân các tổ chức tín dụng (TCTD) chắc chắn phải tăng trích lập dự phòng rủi ro, từ đó sẽ tác động trực tiếp đến nguồn vốn có khả năng cho vay. Trong trường hợp nợ xấu quá lớn, thậm chí TCTD còn mất vốn, đứng trước nguy cơ phá sản.

Nếu nguy cơ này thành hiện thực, các đối tượng đi vay cũng bị ảnh hưởng không kém. Do các ngân hàng đều có một hệ thống quản lý chung, nếu doanh nghiệp (DN) có một khoản nợ xấu, thông tin đến với tất cả các ngân hàng khác, gần như DN sẽ không còn "cửa" vay được nữa.

 
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Bảo Việt, chi nhánh Hà Nội. 	Ảnh: Trần Việt
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Bảo Việt, chi nhánh Hà Nội. Ảnh: Trần Việt

"Việc áp dụng Thông tư 02 sẽ khiến bức tranh nợ xấu được phản ánh chính xác hơn, tỷ lệ nợ xấu vì thế có thể cao hơn. Tuy nhiên, Thông tư này sẽ tạo nền tảng an toàn trong quản trị rủi ro của các ngân hàng, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của các TCTD. Thời gian qua, hệ thống ngân hàng thương mại cũng đã có sự chuẩn bị sẵn sàng để áp dụng quy định mới" - ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Chánh thanh tra - Cơ quan thanh tra giám sát - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết.

Nợ xấu có nguy cơ gia tăng khi việc phân loại nợ theo tiêu chuẩn quốc tế được áp dụng. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, hoạt động mua nợ của VAMC khá trầm lắng, trong khi phần lớn các khoản nợ xấu mua về chưa thể bán ra. Theo NHNN, trong 5 tháng đầu năm, VAMC chỉ mua được xấp xỉ 6.300 tỷ đồng nợ xấu.

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, TS Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế phân tích: "Tốc độ xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng hiện vẫn chậm. Lý do là chúng ta chủ trương không dùng tiền ngân sách cũng như không vay nợ nước ngoài để xử lý nợ. Và với thị trường mua bán nợ chưa hình thành, nhà đầu tư nước ngoài hầu như đứng ngoài cuộc… thì việc xử lý nợ xấu chậm là dễ hiểu".

Xây dựng nhiều phương án bán nợ

Trước những lo ngại về việc VAMC chậm mua bán nợ, ông Nguyễn Hữu Nghĩa cho rằng, nợ xấu vẫn đang được xử lý theo đúng lộ trình đề ra. Theo đại diện Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN, thời gian qua, quá trình mua nợ của VAMC chậm lại một phần do đợi NHNN phê duyệt phương án phát hành trái phiếu đặc biệt. Đến thời điểm này, NHNN đã phê duyệt xong số lượng phát hành nên VAMC sẽ đẩy nhanh mua nợ trong thời gian tới.

Hiện, NHNN đã mời VAMC và các TCTD xây dựng phương án mua, bán nợ theo từng tháng trong thời gian tới. Việc làm này sẽ góp phần đẩy nhanh hơn tiến trình mua bán nợ. Theo hồ sơ được gửi lên, nhu cầu bán nợ cho VAMC của các TCTD lên tới hơn 30.000 tỷ đồng.

Với các kế hoạch đang xây dựng, NHNN hy vọng, mục tiêu VAMC sẽ mua 70.000 - 100.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm nay là có thể đạt được. Bên cạnh đó, các phương án bán nợ đã mua và thí điểm mua nợ theo giá thị trường cũng đang được VAMC tích cực xây dựng.