Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nỗi lo sạt lở bờ tả sông Nhuệ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lòng sông hẹp, nền địa chất yếu, cùng với dòng chủ lưu áp sát chân đê được xem là nguyên nhân khiến tình trạng sạt lở đang diễn ra ngày một nghiêm trọng tại bờ tả sông Nhuệ thuộc xã Tả Thanh Oai (Thanh Trì).

Bờ tả sông Nhuệ đoạn qua địa phận xã Tả Thanh Oai dài khoảng 9km. Đây là tuyến đê kết hợp đường giao thông liên xã với mật độ người và phương tiện qua lại mỗi ngày rất đông. Theo khảo sát, toàn tuyến có bốn cung sạt trượt đang diễn biến hết sức phức tạp. Cụ thể, đoạn từ cống X410 qua ngõ 12 (tương ứng K20+500 đến K20+750) dài khoảng 250m, và đoạn từ bia Truy Viễn Đàn của dòng họ Ngô đến trạm bơm Đại Thanh (tương ứng K21+000 đến K21+200) dài gần 200m, mái sông xuất hiện nhiều cung sạt lấn gần vào mép đường, cách mép đường chỉ khoảng 30 - 40cm.
Nỗi lo sạt lở bờ tả sông Nhuệ - Ảnh 1
Nằm liền kề, đoạn từ giếng Miếu Ông đến ngõ 38 thôn Tả Thanh Oai (tương ứng từ K22+200 đến K22+300) dài khoảng 100m, cung sạt lấn gần vào mép đường. Nghiêm trọng nhất là tình trạng sạt lở đoạn từ ngõ Đình (thôn Nhân Hòa) qua trường Tiểu học Tả Thanh Oai (tương ứng K23+150 đến K23+500) dài khoảng 350m. Ông Nguyễn Đình Đệ (SN 1954) ở đội 4 thôn Nhân Hòa, người đã sống ven bờ tả sông Nhuệ gần 30 năm cho biết, tình trạng sụt sạt những năm qua dù chưa gây ra sự cố nguy hiểm bất ngờ, nhưng cũng đã làm xuất hiện nhiều cung trượt ăn sâu vào mái, sát vào mép đường, thậm chí, làm xập một phân tường chắn nước cũ dài cả chục mét. Cũng theo ghi nhận, tại những điểm sạt lở nêu trên, cung sạt đều có biểu hiện tiếp tục phát triển. Mặt đường tại những điểm này có hiện tượng bị lún, nứt và ngày một xuống cấp.

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Lưu Đình Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Tả Thanh Oai cho biết, khoảng 5 - 6 năm qua, cao trình nước sông Nhuệ thường không vượt quá ngưỡng 5,3m nên tình trạng ngập úng ven sông đã không còn đáng lo ngại. Tuy nhiên, hễ mùa mưa tới, nước sông lên cao khiến tình trạng sạt lở diễn biến phức tạp. Trước tình trạng lòng sông ăn ngày một sâu vào thân đê cũng là tuyến giao thông độc đạo có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc đi lại và giao thương của người dân, những năm qua, địa phương đã đầu tư nguồn kinh phí không nhỏ để tổ chức lắp đặt hộ lan bằng sắt dọc theo bờ sông để đảm bảo an toàn.

Tuy nhiên, theo ông Hùng, đây chỉ là một số giải pháp tạm thời. Để đảm bảo an toàn phòng chống lụt bão, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương về lâu dài, rất mong các sở, ngành TP sớm có đánh giá mức độ nghiêm trọng của tình trạng sạt lở, xem xét tính cấp thiết của việc triển khai dự án xử lý cấp bách cho tuyến đê kết hợp đường giao thông ven sông này.