Theo ghi nhận dọc tuyến đường dài gần 30km, hệ thống chiếu sáng hai làn đường chính được vận hành không đồng đều chỗ có, chỗ không.
Đèn chiếu sáng đoạn qua cầu chui Liên tỉnh không được bật. Ảnh: Tùng Nguyễn.
|
Nhiều đoạn, hệ thống đèn chiếu sáng vận hành theo kiểu bật sáng 2 đèn liên tục và tắt 1 đèn kế tiếp; hoặc tắt 2 đèn liên tục kế đến bật sáng 1 đèn. Trong khi đó, tại phần đường gom lại xảy ra tình trạng đoạn có đèn, đoạn không có đèn. Chưa hết, việc vận hành hệ thống chiếu sáng tại phần đường gom còn "tệ" hơn, cứ vài chục đèn tắt mới bật sáng 1 đèn. Điều đáng nói, phần đường gom là nơi tập trung rất đông phương tiện thô sơ, xe gắn máy (được phép lưu thông theo cả hai chiều) và ô tô các loại (di chuyển theo một chiều thuận) nên đã có rất nhiều vụ va chạm giao thông, thậm chí là TNGT xảy ra vào các buổi tối. Không chỉ có vậy, hệ thống đèn trên các cây cầu vượt bắc ngang qua Đại lộ Thăng Long cũng đang gặp "vấn đề". Điển hình, cầu vượt Hoàng Xá, hệ thống đèn không được bật; cầu vượt An Khánh, cầu vượt Sài Sơn… cũng chỉ có 2 - 3 trong tổng số hàng chục cột đèn được bật sáng về đêm. Điều này khiến tình trạng mất an toàn giao thông tăng cao.
Anh Bùi Văn Hiền, sống tại chung cư Nam An Khánh, thường xuyên lưu thông qua tuyến đường cho biết, trời tối, không có đèn chiếu sáng nên việc đi lại của người dân rất nguy hiểm. Đặc biệt, việc hệ thống chiếu sáng không được vận hành tại nhiều đoạn giao cắt nguy hiểm, có mật độ phương tiện chuyển hướng lưu thông lớn như khu vực Cầu vượt sông Nhuệ, Cầu chui tả, hữu sông Đáy, Cầu chui Liên tỉnh (Km7 + 734), Cầu vượt tỉnh lộ 70… khiến tình trạng giao thông trên Đại lộ thêm phần phức tạp. Tai nạn rình rập đe dọa tính mạng của người tham gia giao thông.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị xung quanh vấn đề này, ông Lê Minh Huyền - Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng mở rộng đường Láng - Hòa Lạc cho biết, đơn vị này chỉ chịu trách nhiệm đối với các hỏng hóc về mặt thiết bị, kỹ thuật, đồng thời có nghĩa vụ sửa chữa, thay thế nếu phát hiện có hư hỏng trong quá trình vận hành. Còn vấn đề quản lý thời gian chiếu sáng, bố trí hệ thống tắt - mở luân phiên, cách quãng ra sao hiện đang được chuyển giao dần cho công ty điện lực tại các địa phương nơi tuyến đường chạy qua phụ trách. Ông Lê Minh Huyền cho biết thêm, Ban QLDA sẽ sớm tiến hành kiểm tra kỹ thuật, duy tu bảo dưỡng những cột đèn hiện không sáng. Dự kiến cuối năm 2013, UBND TP Hà Nội trình Chính phủ đề án thu phí trên tuyến đường này. Tuy nhiên, với cách thức quản lý còn nhiều bất cập và không khắc phục sớm những thiếu sót nêu trên, e rằng mục tiêu đó sẽ chưa thể trở thành hiện thực.