Nhưng bên cạnh những niềm vui và kỳ vọng, vẫn còn đó những nỗi niềm về một môi trường giáo dục còn bất cập.
Thiếu trường, thiếu lớp, thiếu giáo viên, học sinh phải học ghép, học tạm ở cả nhà văn hóa thôn… tưởng là chuyện của ngày xưa, nhưng lại vẫn xảy ra ngay ở Thủ đô hôm nay. Ở các khu công nghiệp, công nhân vẫn mỏi mắt tìm chỗ học cho con. Thậm chí có xã có trên 12.000 người thường trú và hơn 15.000 công nhân khu công nghiệp, nhưng chỉ vẻn vẹn có 2 trường mầm non, 1 trường tiểu học công lập. Ở nhiều khu đô thị có đủ bể bơi, phòng tập thể dục, trung tâm thương mại, sân tennis, nhưng lại thiếu trường học… Chuyện các chủ đầu tư chỉ quan tâm xây nhà để bán mà cố tình quên xây trường đã được xới lên nhiều, đã được quy trách nhiệm, nhưng dường như vẫn đâu đứng đó mà không có chuyển biến.
Thời gian qua, Hà Nội đã chú trọng đầu tư xây dựng thêm trường lớp, với tổng số trường hiện có của Thủ đô gần 2.700 trường ở cả 3 cấp học song bài toán về quá tải đặt ra từ nhiều năm trước vẫn là vấn đề nóng của năm nay và chắc rằng nhiều năm sau nữa khi tốc độ đô thị hóa ở Hà Nội ngày càng mạnh mẽ. Trước thực tế đó, gần đây đã có những ý tưởng chuyển trường ở khu đô thị mới sang hình thức xã hội hóa nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em cư dân trong khu đô thị. Nhưng xem ra để ý tưởng thành hiện thực, cần phải có chế tài đủ mạnh để buộc chủ đầu tư phải xây trường trước khi "gọi" người dân đến ở. Có như thế sức ép trường lớp mới giảm nhẹ trên vai các bậc phụ huynh mỗi ngày cho con đến lớp.
Và giáo dục hôm nay không chỉ mỗi chuyện thiếu trường, lớp, mà còn nguyên đó những chuyện tưởng như "biết rồi nói mãi". Ấy là chuyện lạm thu cùng những "biến tướng" dưới hình thức tự nguyện mà hội cha mẹ học sinh bỗng tựa như cánh tay nối dài của nhà trường. Thực tế là đã từng có nhiều trường đặt ra đủ khoản thu như phí bảo vệ, quỹ vệ sinh, quỹ hoạt động thanh niên, quỹ chữ thập đỏ, quỹ hỗ trợ thư viện, tiền tin học, tiền nước uống, tiền lắp điều hòa nhiệt độ, tiền quản lý sổ liên lạc điện tử. Hay những sáng kiến vận động phụ huynh góp tiền xây sân bóng rổ, mua máy chiếu, nâng cấp hệ thống máy tính, trồng cây xanh… Dù năm nào ngành giáo dục cũng ra văn bản, hô khẩu hiệu chấn chỉnh, nhưng thay vì lạm thu đầu năm thì nhiều trường lại có kế hoạch thu… giữa năm để tránh tai tiếng. Rồi chuyện dạy thêm, học thêm, chuyện học ngoại khóa, học ngoại ngữ...
Nhìn nhận công bằng hơn, đây không chỉ là nỗi niềm của riêng phụ huynh, mà còn là trăn trở của giáo viên, nhất là những thầy cô cắm bản. Những nỗi niềm ấy đang là câu hỏi chờ lời giải trong hành trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo phía trước.