Nới room tín dụng: Doanh nghiệp khấp khởi mừng

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

KInhtedothi - Tăng trưởng tín dụng cho cả năm 2022 được tăng lên thành 15,5 - 16% so với mục ban đầu là 14%. Sau nhiều ngày mong chờ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (room) trên toàn hệ thống.

Đây là thời điểm DN tăng tốc về đích và nguồn vốn bổ sung trên rất quan trọng trong bối cảnh nhiều khách hàng đang cạn dòng tiền.

Bổ sung gần 200.000 tỷ đồng cho sản xuất, kinh doanh

Theo số liệu từ NHNN, quy mô dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế tính tới tháng 9 đạt gần 11,6 triệu tỷ đồng, tăng 11,05% so với cuối năm ngoái. Với việc nới thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng năm nay thêm 1,5-2%, ước tính quy mô tín dụng cho nền kinh tế có thể tăng thêm 156.000 - 200.000 tỷ đồng, sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế hồi phục và tăng trưởng theo kịch bản cao nhất vào cuối năm.

Khách hàng giao dịch tại VietinBank. Ảnh: Hải Linh
Khách hàng giao dịch tại VietinBank. Ảnh: Hải Linh

Thanh khoản của nền kinh tế là vấn đề được quan tâm thời gian gần đây, trong đó kênh tín dụng ngân hàng là một nút thắt. Việc tăng trưởng cho vay cao trong giai đoạn nửa đầu năm khiến nhiều nhà băng chạm trần tăng trưởng tín dụng, không thể đáp ứng nhu cầu vốn của các DN và người dân. Tình trạng hạn chế, dừng nhận hồ sơ cho vay, dừng giải ngân khiến kế hoạch kinh doanh của DN, tiêu dùng, đầu tư của khách hàng cá nhân bị ảnh hưởng...

Nói về việc nới room tín dụng của NHNN, các chuyên gia đánh giá đây là

 

Khi DN vay tín dụng để đầu tư phát triển các công trình nhà ở, hạ tầng, khu đô thị, nhà ở xã hội... thì đó không chỉ là hoạt động kinh doanh mà còn góp phần giải quyết nguồn cung sản phẩm đang thiếu trên thị trường và thúc đẩy, lan tỏa cho rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác. Việc rót vốn cho DN vì thế là cần thiết và chính đáng.

GS.TS Hoàng Văn Cường, trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội

động thái cần thiết phải làm ngay để giải quyết vấn đề thanh khoản của cả ngân hàng và nền kinh tế giai đoạn cuối năm. “Việc các ngân hàng thương mại được tăng cung tín dụng và áp dụng lãi suất cho vay hợp lý sẽ giúp DN phục hồi và duy trì sản xuất kinh doanh từ nay đến cuối năm, đồng thời đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế - xã hội” - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh nhìn nhận.

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, việc điều hành tín dụng trên quan điểm cởi mở của NHNN cho thấy sự cầu thị và biết lắng nghe phản hồi từ thị trường. “Quyết định nới room chắc chắn đã được đưa ra từ những đánh giá toàn diện và thận trọng về lợi ích với cả nền kinh tế. Việc ngân hàng mở lại room tín dụng sẽ góp phần khiến DN hoạt động trở lại trong giai đoạn cuối năm nay” - TS Lê Xuân Nghĩa nói. “Không phải "bung" tín dụng là sẽ gây ra lạm phát, quan trọng là tín dụng rót vào lĩnh vực nào. Nếu sử dụng vào các lĩnh vực hiệu quả, tăng tín dụng sẽ không kích lạm phát lên” - TS Nghĩa nói thêm.

Cần giải ngân nhanh dòng vốn

Ghi nhận một số DN cho rằng, room tín dụng cho các ngân hàng đã được mở nhưng DN cần được giải ngân nhanh dòng vốn để tăng tốc cho mùa vụ cuối năm. Đồng thời nới room tín dụng để giảm bớt gánh nặng lãi vay cho người dân.

Là một trong những nhóm ngành được ưu tiên tiếp cận nguồn vốn ưu đãi do tham gia chương trình bình ổn giá thực phẩm cho TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP Hồ Chí Minh (FFA) Lý Kim Chi cho biết, thời gian qua, nhiều DN ngành lương thực, thực phẩm TP Hồ Chí Minh phải tìm mọi cách xoay sở để lo nguồn vốn, thậm chí đi tìm tài sản thế chấp để được vay vốn ngân hàng. Thế nhưng, theo bà Kim Chi, khi DN tiếp cận được thì các ngân hàng lại báo hết room tín dụng. Do đó, việc điều chỉnh room tín dụng của NHNN là thông tin được mong chờ nhất lúc này đối với DN. Quan trọng là nhanh chóng được giải ngân cho vay.

 

Hiện một số ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay với DN. 3 ngân hàng đi đầu là Vietcombank, HDBank, Agribank giảm 1 - 3,5% cho DN kinh doanh. Mới đây MB, ACB cũng thông báo sẽ giảm lãi suất vay 0,5 - 1%/năm đối với khách hàng cá nhân và DN.

Trước thông tin NHNN sẽ nới room tín dụng cho vay với các ngân hàng, ông Nguyễn Văn Bình - Giám đốc một DN sản xuất, lắp đặt thiết bị phòng cháy, chữa cháy tại Hà Nội kỳ vọng lần này DN của ông sẽ dễ vay vốn ngân hàng hơn. "Khi có vốn chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng xưởng sản xuất để phục vụ thị trường Tết" - ông Bình dự tính.

Trong khi đó, phía DN bất động sản (BĐS) vẫn phập phồng lo lắng. Việc nới 1,5 - 2% room tín dụng cuối năm này chỉ giải quyết thanh khoản cho một số đối tượng DN và sẽ khó tạo sức bật đáng kể nào cho thị trường BĐS trong giai đoạn cuối năm. Cộng đồng DN BĐS kỳ vọng có thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng và nguồn vốn trái phiếu để bù đắp sự thiếu hụt vốn đầu tư trong thời gian qua.

Thành viên Ban điều hành một ngân hàng cho biết, dự kiến sẽ hoàn tất giải ngân trong vòng 1 tháng để đáp ứng các hồ sơ vay hiện có (là những khách hàng nằm trong mục tiêu cấp tín dụng của ngân hàng nhưng vì hạn chế về room nên thời gian qua ngân hàng không thực hiện cho vay được). Đồng thời hướng nguồn vốn vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên để phục hồi kinh tế.

Rót tín dụng cho những tháng cuối năm là cần thiết

Việc điều chỉnh tín dụng diễn ra trong bối cảnh tác động từ bên ngoài dịu bớt, thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng cải thiện hơn. Theo NHNN, nguyên tắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng sẽ theo hướng các tổ chức tín dụng có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn. Thống đốc yêu cầu các đơn vị cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên, như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa. Việc mở rộng tín dụng phải đi đôi với việc kiểm soát rủi ro kỳ hạn để đảm bảo thanh khoản, an toàn, đảm bảo khả năng chi trả, nhất là dịp Tết Nguyên đán.

Cơ quan quản lý cũng cho biết, thời gian tới sẽ bám sát những dự báo, tình hình, đặc biệt là diễn biến của lạm phát để xây dựng chỉ tiêu, định hướng và các giải pháp điều hành tiền tệ, tín dụng năm 2023. NHNN tiếp tục kêu gọi các ngân hàng thương mại cắt giảm chi phí trong hoạt động và một phần lợi nhuận để hỗ trợ DN vay vốn.

Đồng tình và kỳ vọng nhiều về động thái nới room tín dụng cho ngân hàng của NHNN, song một số chuyên gia nhấn mạnh, chính sách này cần công bằng với tất cả các ngành nghề, không loại trừ các lĩnh vực đầu tư như BĐS. TS. Trần Minh Tuấn - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Smart Invest (AAS) cho rằng, NHNN không nên bó cứng room tín dụng cho toàn ngành, mà chỉ nên quy định room ở một số nhóm ngành có tính đầu cơ cao. Thậm chí, đối với BĐS, chỉ nên quy định trần với phân khúc có tính đầu cơ cao (như cho vay mua đất nền) và không nên bó room với phân khúc phục vụ nhà ở thật, nhà ở xã hội…

 

Tôi đánh giá cao trong quá trình thực thi cần chủ động và linh hoạt, điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Việc nới room tín dụng hợp lý và giảm lãi suất cho vay, cần cắt giảm thủ tục hành chính; cùng với đó là thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi. Miễn, giảm phí, lệ phí cho DN.

TS Cấn Văn Lực

Đọc tiếp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần