KTĐT - Tuy mới nuôi lợn rừng từ năm 2006 đến nay, nhưng trang trại của gia đình anh Nguyễn Văn Nhẫm đã nổi tiếng khắp huyện nghèo Tân Sơn.
Với mô hình nuôi lợn rừng hàng hoá, anh Nguyễn Văn Nhẫm ở xóm Văn Tân (xã Văn Luông, huyện Tân Sơn, Phú Thọ) đã chứng minh được rằng: Nông dân ở 62 huyện nghèo nhất nước vẫn có thể giàu có.
Tuy mới nuôi lợn rừng từ năm 2006 đến nay, nhưng trang trại của gia đình anh Nguyễn Văn Nhẫm đã nổi tiếng khắp huyện nghèo Tân Sơn.
Móc “hầu bao” nhà giàu
Cách đây khá lâu, trong một lần nói chuyện, giao lưu với ND các xã trong huyện Đông Triều (Quảng Ninh), chuyên gia Nguyễn Lân Hùng đã mách nhỏ: Muốn làm giàu ở nông thôn, bà con phải biết nhà giàu, dân thành phố người ta đang muốn ăn, uống cái gì. Gia đình nào, địa phương nào có điều kiện thì hãy chuyển sang nuôi, trồng những giống cây, con đặc sản...
Điều ông Hùng nói, anh Nhẫm chưa từng nghe, nhưng cách nghĩ như vậy đã trong đầu anh từ gần 5 năm trước. Anh Nhẫm thổ lộ: “Tôi đã từng là một trong những người đầu tiên trong xã trồng vải thiều, nuôi ong mật, nuôi cả rắn, nhưng cuộc sống cũng chỉ đủ ăn đủ tiêu. Bây giờ người có nhiều tiền muốn thích tìm đến món lạ. Nghĩ mãi, tôi quyết định, với địa thế rộng rãi như trang trại của gia đình chỉ có nuôi lợn rừng mới giàu được”.
Năm 2006, qua báo, đài, anh Nhẫm lặn lội xuống một trung tâm giống vật nuôi ở Ba Vì (Hà Nội) mua 3 con lợn rừng giống, trong đó có 2 con lợn nái và 1 con lợn đực. Ba con lợn thả trong phạm vi trang trại rộng gần 1,5ha.
Vợ anh Nhẫm là chị Đào Thị Thanh nhiều lúc không khỏi lo. Người ta nuôi công nghiệp, chuồng trại đoàng hoàng, chăm bẵm hết hơi mà có khi còn lỗ sặc gạch, huống hồ 3 con lợn rừng chạy rông, mỗi ngày chỉ ăn nhì nhằng mấy ôm dây khoai lang, vài chục củ sắn, củ khoai... “Tôi đem mấy chục triệu đồng về tận Hà Nội mua 3 con giống thì ắt sẽ có người cầm tiền triệu tìm lên đây để mua lợn thịt”- đó là lời anh Nhẫm trấn an vợ. Chẳng bao lâu, cùng với lợn rừng sinh sôi nảy nở, chuyện vợ chồng anh Nhẫm nuôi lợn rừng thành công cũng lan ra khắp huyện, khắp tỉnh.
Mở lối cho nông dân nghèo
Sau gần 5 năm, qua quá trình chọn lọc, hiện anh Nhẫm đã cố định được đàn lợn nái 20 con. Bình quân mỗi nái đẻ 2 lứa/năm, mỗi lứa 10 con. Có thời điểm, đàn lợn rừng nhà anh lên tới hơn 150 con. Khách tìm đến mua lợn rừng cũng lắm mà người đến tham quan, học hỏi cũng nhiều.
Anh Nhẫm thổ lộ: “Người này mách người kia. Không chỉ ND trong tỉnh, mà nhiều người ở Quảng Ninh, Thái Bình, Yên Bái, Lào Cai, Hoà Bình, Vĩnh Phúc cũng tìm lên đây để mua lợn giống. Khách mua lợn thịt cũng nhiều, nhưng không phải lúc nào trang trại cũng có, bởi lợn con đẻ ra đã có người gọi điện đặt mua con giống. Lợn giống tôi bán 250.000 đồng/kg, lợn thịt 150.000 đồng/kg...”.
Từ mô hình của gia đình anh Nhẫm, đến nay huyện Tân Sơn có hàng chục hộ nuôi lợn rừng. Tại xã Văn Luông, nuôi lợn rừng với quy mô 4 nái có 10 hộ, còn nuôi 2 nái khoảng 25 hộ.
Anh Nhẫm cho biết: “Tất cả đều mua con giống từ trang trại của gia đình tôi. Hộ nuôi 2 nái ít cũng để ra được 50 triệu đồng/năm”. Người nào vào trang trại tham quan, học kinh nghiệm, anh đều hỏi han kỹ lưỡng và khuyến cáo: “Những hộ có đất đai rộng rãi, địa phương nào có đồi rừng mới nên nuôi lợn rừng. Vốn mua con giống cũng khá lớn, nên phải nắm chắc kỹ thuật chăm sóc, nhất là kỹ thuật chăm lợn con mới đẻ”.