Tại buổi tọa đàm, đại diện HND các huyện, thị xã đã đánh giá thực trạng công tác ATTP tại địa phương mình; Nêu nhận thức của hội viên nông dân trong sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn.
Nhiều cán bộ hội đã thẳng thắn đánh giá vai trò, trách nhiệm của các cấp hội, nhất là chi hội trong việc tuyên truyền, thực hiện các quy định bảo đảm an toàn trong sản xuất rau, củ quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm, đảm bảo vệ sinh trong chế biến nông sản thực phẩm. Bên cạnh đó, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia phong trào “Vì môi trường trong sạch, vì sức khỏe cộng đồng, nông dân Hà Nội chỉ sản xuất, chế biến, tiêu dùng và bán ra thị trường sản phẩm nông nghiệp an toàn”.Phó Chủ tịch HND TP Hà Nội Dương Thị Hằng cho biết, buổi tọa đàm là hoạt động thường niên của Hội nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên nông dân về vai trò của VSATTP đối với sức khỏe của cộng đồng và sự phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tăng cường giám sát, phát hiện, tố giác, tẩy chay các cơ sở sản xuất chế biến, lưu thông, buôn bán thực phẩm không đảm bảo VSATTP trên địa bàn TP. Trong thời gian qua, HND TP Hà Nội đã triển khai tới 100% cơ sở Hội với 450.000 hội viên tham gia ký cam kết thi đua tham gia đảm bảo VSATTP. Các huyện, thị Hội đã đẩy mạnh tuyên truyền nội dung, tiêu chuẩn nông nghiệp an toàn gắn với việc thực hiện VSATTP bằng nhiều hình thức, góp phần từng bước nâng cao nhận thức, ý thức của hội viên trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm an toàn.
Tiêu biểu như HND huyện Chương Mỹ với hoạt động xây dựng các mô hình tổ nhóm nông dân sản xuất nông sản an toàn như: Mô hình rau quả sạch Chúc Sơn, HTX rau an toàn Thụy Hương, bưởi VietGAP, lợn VietGAP, lúa hữu cơ Đồng Phú, trứng gà sạch Tiên Viên. Tổ chức cho nông dân thực hiện ký cam kết 3 không: "Không sản xuất rau không an toàn, không giết mổ gia súc gia cầm không an toàn, không kinh doanh phụ gia thực phẩm không có trong danh mục".