Nông nghiệp Hà Nội duy trì đà tăng trưởng

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quý I/2024, ngành nông nghiệp Hà Nội tăng trưởng 3,76%, cao hơn 1,62% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là mức tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu và biến động trên thị trường.

Hiệu quả của tái cơ cấu

Đánh giá về kết quả đạt được, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại nhận định, mức tăng trưởng trong quý I/2024 là kết quả của quá trình tái cơ cấu của ngành trong nhiều năm qua; đồng thời thể hiện hướng đi đúng, linh hoạt trong chuyển đổi sản xuất cũng như công nghệ và thị trường. Sản xuất nông nghiệp luôn bám sát thị trường, linh hoạt điều chỉnh, bắt nhịp với xu hướng phát triển nên giá trị tăng cao.

Chăn nuôi gà thương phẩm tại xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ. Ảnh: Ánh Ngọc
Chăn nuôi gà thương phẩm tại xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ. Ảnh: Ánh Ngọc

Điển hình nhất là hoạt động chăn nuôi, trong quý I/2024, ghi nhận đàn lợn tăng 1,7%, đàn gia cầm tăng 1,2%, sản lượng thủy sản tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, thủy sản và thú y Hà Nội Nguyễn Đình Đảng, ngành chăn nuôi tăng trưởng mạnh bởi nhiều nguyên nhân. Hà Nội đã tạo lập được hệ thống văn bản quy định trong hoạt động chăn nuôi khá đầy đủ, tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lý. Đặc biệt, việc tái đàn sau Tết Giáp Thìn diễn ra thuận lợi, các địa phương, hộ sản xuất đã chủ động nguồn giống, bảo đảm đàn vật nuôi; chủ động trong phòng, chống dịch, kiểm soát dịch bệnh.

Đáng chú ý, thời gian qua, các địa phương đã thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 275/KH-UBND ngày 25/10/2022 về hành động thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn 2045 trên địa bàn thành phố, định hướng rõ về vùng sản xuất, quy mô, con giống, công nghệ và bảo vệ môi trường. Từ đó, chăn nuôi Hà Nội có sự khởi sắc, chuyển dịch mạnh mẽ.

Ngay từ đầu năm, các trang trại chăn nuôi đã đẩy mạnh việc tái đàn, bảo đảm nguồn cung thịt gia súc, gia cầm cho thị trường. Ông Ngô Trọng Hiển, ở xã Thụy An (huyện Ba Vì) cho biết, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, trang trại của gia đình đã xuất bán được hơn 10 tấn gà thương phẩm. Thời điểm hiện tại, trang trại đang nuôi gối vụ 1,5 vạn con gà thương phẩm và 8.000 gà bố mẹ để cung cấp thực phẩm cho người tiêu dùng và con giống cho người chăn nuôi trên địa bàn và địa phương lân cận.

Sản xuất an toàn, bám sát nhu cầu thị trường

Tăng trưởng của quý I/2024 là đòn bẩy tạo đà cho ngành nông nghiệp phát triển mạnh mẽ ở các quý tiếp theo. Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, ngành Nông nghiệp còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về biến đổi khí hậu, biến động thị trường. Mặt khác, diện tích sản xuất ngày càng bị thu hẹp do tốc độ đô thị hóa nhanh cũng ảnh hưởng đến phát triển sản xuất nông nghiệp của Hà Nội.

Chăm sóc rau an toàn tại xã Tân Minh, huyện Thường Tín. Ảnh: Ánh Ngọc
Chăm sóc rau an toàn tại xã Tân Minh, huyện Thường Tín. Ảnh: Ánh Ngọc

Do đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng từ 2,5 - 3%, từ nay đến cuối năm 2024, ngành nông nghiệp sẽ chủ động, linh hoạt ứng phó với mọi diễn biến về khí hậu, thị trường và thường xuyên nghiên cứu, phân tích thị trường, từ đó định hướng sản xuất bám sát nhu cầu của thị trường.

Theo đó, từ nay đến cuối năm, căn cứ vào thực tế thị trường và diễn biến thời tiết, dịch bệnh, ngành nông nghiệp chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng công nghiệp, phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; hình thành các vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, sạch, hữu cơ đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP...

Thời gian tới, Sở NN&PTNT sẽ phối hợp các sở, ngành liên quan và các địa phương của thành phố xây dựng hệ thống công nghệ trong theo dõi sản xuất và ký kết trên các sàn thương mại điện tử. Cùng với đó, Sở cùng các địa phương tổ chức tập huấn kiến thức về công nghệ thông tin cho nông dân, người sản xuất để có thể chủ động truy xuất nguồn gốc sản phẩm cũng như đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử…

Khảo sát thực tế cho thấy, cùng với định hướng của ngành nông nghiệp, nhiều huyện trên địa bàn thành phố đã chủ động đề ra các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp. Đơn cử như Thường Tín, Ứng Hòa, Phúc Thọ… đã xây dựng cơ chế hỗ trợ về nguồn giống, kinh phí cho các mô hình sản xuất chất lượng cao, đưa cây, con giống vào sản xuất ngay trong vụ Xuân 2024 và khuyến khích nông dân sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị.

Cùng với đó, từng bước nâng diện tích sản xuất hữu cơ với các cây trồng chủ lực; mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn, trang trại chăn nuôi an toàn; phát triển các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nuôi thâm canh... nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

 

Ngành nông nghiệp Thủ đô tiếp tục tái cơ cấu theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm; đồng thời nâng cao năng lực sản xuất, chế biến và dự báo thị trường nhằm tạo những đột phá mới trong năm 2024.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại