Nông nghiệp Hà Nội thích ứng biến đổi khí hậu

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để ứng phó với biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp Hà Nội đã triển khai những giải pháp sản xuất nông nghiệp theo hướng sử dụng những giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng, thời gian sinh trưởng ngắn, thích ứng với điều kiện thời tiết và canh tác của Hà Nội.

Những lợi ích rõ rệt

Vụ Đông 2023, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội triển khai mô hình trình diễn cây trồng giống mới năng suất, chất lượng thích ứng với biến đổi khí hậu (cây đậu tương), quy mô thực hiện 30ha tại huyện Ứng Hòa. Giám đốc Hợp tác xã sản xuất kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết Cao Thị Thủy chia sẻ: đây là lần đầu tiên  hợp tác xã thực hiện công nghệ gieo đậu tương trên nền đất ướt bằng máy bay không người lái nhằm giảm áp lực về thời vụ trồng.

Mô hình sản xuất lúa thích ứng với biến đổi khí hậu tại huyện Ứng Hòa. Ảnh: Ngọc Ánh
Mô hình sản xuất lúa thích ứng với biến đổi khí hậu tại huyện Ứng Hòa. Ảnh: Ngọc Ánh

Kết quả khả quan khi năng suất đậu tương đạt 2 tấn/ha, đã kết nối DN tiêu thụ 100% sản phẩm. Hơn nữa, mô hình tạo ra sản phẩm an toàn, bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng; đồng thời tăng hiệu quả sử dụng đất, làm tăng độ phì cho đất; quan trong nhất là tạo thêm việc làm và thu nhập cho nông dân, tận dụng được lao động nông nhàn ở vụ Đông.

Trong những năm gần đây, nông nghiệp Hà Nội đã tích cực đưa các giống lúa mới vừa có năng suất, chất lượng, vừa thích ứng với biến đổi khí hậu vào sản xuất. Cùng với đó, đẩy mạnh áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, cơ giới hóa đồng bộ nên đã hình thành được nhiều vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng, quy mô tập trung. Theo đó, bộ giống lúa Japonica (J01, J02…) và các loại giống mới chất lượng cao (HD11, Đài thơm 8, TBR225, VNR10, VNR20, HDT10…) đang được triển khai tại một số địa phương mang lại giá trị kinh tế cao.

Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Liên Hà (huyện Đông Anh) Lê Văn Tỵ cho hay, với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, thời gian qua, địa phương đã duy trì cánh đồng lớn với diện tích hơn 200ha lúa hàng hóa chất lượng. Cánh đồng áp dụng hoàn toàn mạ khay, cấy máy, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái nên nông dân rất thuận tiện trong việc chăm sóc; lúa ít bị sâu bệnh. Với cách làm này đã giúp nông dân giảm chi phí, tăng hiệu quả trong sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tăng thu nhập từ canh tác lúa.

Cùng với sản xuất lúa thích ứng với biến đổi khí hậu, trong lĩnh vực trồng trọt, các mô hình sản xuất rau an toàn, rau hữu cơ trong nhà màng, nhà lưới theo phương pháp thủy canh, tưới nhỏ giọt tiết kiệm... đang dần phổ biến trên địa bàn Hà Nội.

Ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Định hướng phát triển của Hà Nội là tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Mục tiêu chính là nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp để tăng thu nhập, làm giàu, thích ứng với các điều kiện sinh thái, khí hậu và thị trường.

Mô hình trồng rau thủy canh tại huyện Sóc Sơn. Ảnh: Lâm Nguyễn
Mô hình trồng rau thủy canh tại huyện Sóc Sơn. Ảnh: Lâm Nguyễn

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, ngành nông nghiệp Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với các huyện trên địa bàn thành phố đang mở rộng những mô hình có áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản; xây dựng và cấp chứng nhận các vùng sản xuất hàng hóa tập trung có năng suất, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

Trong đó dành nguồn lực ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, sinh thái, sản xuất nông sản sạch, nông sản hữu cơ, sản phẩm OCOP. Cùng với đó, nhân rộng ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, các mô hình đã được khẳng định trên thực tế nhằm đạt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên 70%.

Mặt khác, ngành nông nghiệp sẽ chú trọng mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản song song với nâng cao năng lực dự báo thị trường, tăng kết nối với công nghiệp chế biến, chuỗi tiêu thụ sản phẩm và thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, việc ứng dụng và chuyển giao công nghệ để điều chỉnh các hoạt động sản xuất, phong tục tập quán của người dân trước những thay đổi của khí hậu cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

“Như vậy, tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được xác định vẫn là hướng đi quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm không ngừng hiện đại hóa và phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn của Thủ đô trong tương lai trước những khó khăn, thách thức của biến đổi khí hậu” – Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại nhấn mạnh.

 

Dự báo trong tương lai, các xu thế tác động biến đổi khí hậu sẽ diễn ra nhanh và phức tạp hơn, đây được coi là một thách thức lớn đối với sản xuất nông nghiệp. Do đó, việc chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu là xu thế tất yếu, không chỉ riêng Hà Nội áp dụng mà đang được nhân rộng mô hình trên cả nước.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan