Nông nghiệp Hà Nội: Giảm tăng trưởng vì dịch tả lợn

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2019, ngành nông nghiệp Thủ đô trải qua nhiều khó khăn, thách thức từ diễn biến thời tiết bất lợi, thị trường cạnh tranh, đặc biệt là tác động của dịch tả lợn châu Phi lan rộng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho lĩnh vực chăn nuôi và ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng toàn ngành.

Chăm sóc đàn lợn tại huyện Chương Mỹ. Ảnh: Trọng Tùng
Tăng trưởng thấp hơn năm 2018
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, giá trị sản xuất nông lâm thủy sản trên địa bàn TP năm 2019 ước đạt 36.444 tỷ đồng, bằng 99,47% so với năm 2018. Trong khi hai lĩnh vực lâm nghiệp và thuỷ sản phát triển tương đối tốt với mức tăng trưởng lần lượt là 101,7% và 106,7% thì giá trị sản xuất nông nghiệp chỉ bằng 98,82% so với năm 2018. Cụ thể, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn TP hiện đạt 22.400ha; sản lượng khoảng 113.000 tấn (bằng 108,2%). Cùng với đó, năm 2019, TP cũng đã trồng mới được 390ha rừng, bằng 147,6% so với năm 2018.
Trong năm 2019, Hà Nội có 30 xã đạt tiêu chí nông thôn mới, đưa tổng số xã đạt chuẩn toàn TP là 355/386 xã (đạt 92%). Hiện, có 6 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nông thôn mới; TP đang chỉ đạo huyện Thạch Thất và thị xã Sơn Tây hoàn thiện hồ sơ công nhận đạt chuẩn. Cùng với kết quả xây dựng nông thôn mới, đời sống của người nông dân cũng không ngừng được cải thiện. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đã đạt 50,7 triệu đồng/năm.
Sụt giảm của lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu đến từ chăn nuôi. Ở đó, thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi là nghiêm trọng nhất và có tác động trực tiếp, khiến tăng trưởng của lĩnh vực này không đạt mục tiêu kế hoạch. Trong khi tổng đàn bò của Hà Nội đạt 136.000 con (tăng 1,3%), đàn gia cầm có 40,1 triệu con (bằng 114,3%) thì đàn lợn hiện chỉ còn 1,14 triệu con (giảm 40% so với năm 2018).
Việc chăn nuôi chiếm tỷ trọng lên tới 45% giá trị sản xuất nông nghiệp khiến hậu quả do dịch tả lợn châu Phi tác động đến tăng trưởng toàn ngành trở lên nghiêm trọng hơn. Đây được cho là nguyên nhân chính khiến tăng trưởng giá trị sản xuất năm 2019 của ngành nông nghiệp thấp hơn năm 2018.
Đẩy mạnh tái đàn lợn có kiểm soát 
Sau hơn 10 tháng bùng phát, dịch tả lợn châu Phi đã từng bước được kiểm soát. Tuy nhiên, dịch bệnh nguy hiểm này sẽ chưa thể được khống chế trong một sớm một chiều. Và đây sẽ vẫn là khó khăn lớn nhất đối với mục tiêu tăng trưởng trên 3% trong năm 2020 mà ngành nông nghiệp Thủ đô đề ra.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, nhận định trước tình hình, TP đã sớm chỉ đạo ngành nông nghiệp xây dựng các chương trình, kế hoạch, giải pháp, biện pháp tổ chức thực hiện để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng đề ra. Trước mắt, ngành nông nghiệp sẽ tập trung chỉ đạo triển khai tốt công tác chống hạn vụ Xuân 2020.
Tiếp tục thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, sản xuất tập trung, chuyên canh quy mô lớn. Đẩy mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Riêng đối với lĩnh vực chăn nuôi, năm 2020, TP chủ trương tiếp tục phát triển theo vùng, xã trọng điểm, chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư. Trong đó, duy trì và phát triển 15 xã chăn nuôi bò sữa, 19 xã chăn nuôi bò thịt, 29 xã chăn nuôi gia cầm. Đặc biệt là 13 xã chăn nuôi lợn.
Để bảo đảm nguồn cung thực phẩm trong năm 2020, bên cạnh tăng cường sản xuất gia súc lớn, gia cầm, thuỷ sản, ngành nông nghiệp Hà Nội cũng sẽ tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp theo chỉ đạo của T.Ư, TP nhằm sớm khống chế dịch tả lợn châu Phi, cũng như từng bước tổ chức tái đàn lợn.
Liên quan tới công tác tái đàn, Giám đốc sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ cho biết, đến nay, toàn TP đã có 3.565 hộ, trang trại thực hiện tái đàn, với tổng số đầu lợn gần 291.000 con. Đồng thời nhấn mạnh, quan điểm của TP là sẽ kiểm soát chặt chẽ việc tái đàn tại những nơi bảo đảm điều kiện chăn nuôi theo quy định. Đặc biệt, sẽ xử lý nghiêm các trường hợp tái đàn không khai báo nhằm tránh dịch bệnh lây lan, bùng phát trở lại.