Chính vì vậy, tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm tổ chức ngày 29/6, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã nhấn mạnh, nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm là phải tìm mọi cách khôi phục lại đà tăng trưởng của ngành. GDP giảm 0,18% Từ đầu năm tới nay, ngành nông nghiệp phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài và xảy ra trên diện rộng làm nhiều diện tích gieo trồng không thể sản xuất. Bên cạnh đó, tình trạng cá chết bất thường ở 4 tỉnh ven biển miền Trung và thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông, thủy sản sụt giảm đã tác động mạnh đến kết quả hoạt động và thực hiện kế hoạch của toàn ngành. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, GDP nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2016 giảm 0,18% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị sản xuất nông lâm thủy sản ước đạt 397.400 tỷ đồng, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm 2015.
Trong số các lĩnh vực, ngành trồng trọt bị thiệt hại nặng nề nhất do ảnh hưởng trực tiếp từ thiên tai, thời tiết, dẫn đến tăng trưởng giảm. Vụ Đông Xuân năm nay, sản lượng lúa cả nước đạt 19,37 triệu tấn, giảm 1,326 triệu tấn (6,4%) so với vụ Đông Xuân năm 2015, riêng Đồng bằng sông Cửu Long giảm tới 10,2%. Bà Nguyễn Thị Hồng – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) phân tích, ngoài ảnh hưởng do thiên tai, kết quả tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt thấp là do triển khai thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành chưa đồng bộ, đồng đều ở các địa phương. Nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm tới nhiệm vụ này nên triển khai chậm, chưa tạo được chuyển biến rõ rệt. Bên cạnh đó, việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất còn chậm. Khu vực HTX còn nhiều lúng túng trong việc thực hiện Luật HTX 2012 trong khi kinh tế hộ nhỏ lẻ ngày càng bộc lộ những hạn chế, yếu kém. Nhiều DN nông nghiệp và nông lâm trường quốc doanh mặc dù đã được chuyển đổi nhưng chưa thể hiện được hiệu quả rõ rệt. Đặc biệt, tình trạng lưu thông, sử dụng các loại vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y và sử dụng chất cấm trong sản xuất thức ăn chăn nuôi không đảm bảo ATTP vẫn còn gây bức xúc trong xã hội. Tận dụng mọi khả năng
Ngay khi kết thúc năm 2015, Bộ NN&PTNT đã đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản năm 2016 đạt 3%, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất của ngành đạt 3,5%. Với thực trạng không có tăng trưởng trong vòng nửa năm qua và thiên tai vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, để đạt được mục tiêu trên là vô cùng khó khăn. Tại hội nghị, đại diện các đơn vị của Bộ NN&PTNT đã tập trung thảo luận nhiều giải pháp để khôi phục đà tăng trưởng cho toàn ngành. Trong đó tập trung triển khai quyết liệt đề án tái cơ cấu ngành, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, không chủ động tưới sang trồng các cây hàng năm gắn với nhu cầu thị trường. Cùng với đó, hoàn thiện chính sách về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khuyến khích DN tham gia vào nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ. Đặc biệt, theo dõi sát diễn biến cung, cầu thị trường trong nước và thế giới. Từ đó nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm kịp thời, hiệu quả cho nông dân, trước mắt là các sản phẩm lúa Hè Thu, cá tra, tôm, thịt lợn, gia cầm, đường, mía… Trước những khó khăn của ngành, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị các đơn vị, địa phương thực hiện các giải pháp đồng bộ, tận dụng mọi khả năng để phục hồi và duy trì tăng trưởng sản xuất. Ông Cao Đức Phát lưu ý, trong chỉ đạo điều hành phải luôn sâu sát, quyết liệt, đặc biệt là quan tâm xây dựng và triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách có tính chất tạo động lực cho sản xuất và hỗ trợ nông dân.
Diện tích rau màu tại xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức bị ngập úng do mưa lớn cuối tháng 5/2016. Ảnh: Quang Thiện |
Phương châm Bộ đề ra để khôi phục tăng trưởng của ngành là suy nghĩ chiến lược, hành động cụ thể. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát |