Nhiều thách thức
Năm 2013, ngành nông nghiệp phải đối mặt với khá nhiều khó khăn, thách thức, trong đó chịu ảnh hưởng không nhỏ từ khủng hoảng kinh tế thế giới kéo dài. Ngoài ra, thời tiết diễn biến bất thường đã làm tăng nguy cơ thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp. Đặc biệt, vốn đầu tư cho nông nghiệp thấp hơn nhiều so với nhu cầu, chỉ đáp ứng khoảng 60% trong khi các chi phí vật tư đầu vào như xăng dầu, vật tư nông nghiệp, giá thức ăn chăn nuôi... tăng cao.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành năm 2013 vẫn đạt 2,67%, tương đương năm 2012. Trong đó trồng trọt tăng 2,6%, chăn nuôi tăng 1,4%, lâm nghiệp tăng 5,18%, thủy sản tăng 3,05%. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản (theo giá so sánh 2010) ước đạt 801.200 tỷ đồng, tăng 2,95% so với 2012. Sản lượng nhiều loại cây trồng tăng so với năm 2012, đáp ứng dồi dào nhu cầu tiêu dùng trong nước, nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Tổng diện tích gieo trồng lúa cả nước đạt khoảng 7,9 triệu héc ta, tăng 138.700ha; sản lượng lúa đạt 44,1 triệu tấn, tăng 338.300 tấn so với năm trước.
Đặc biệt, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, 2013 là năm không thuận lợi cho tiêu thụ nông sản cả xuất khẩu và nội địa. Nhu cầu và giá nông sản trên thị trường thế giới luôn trong xu hướng giảm suốt từ giữa năm 2012 do các quốc gia nhập khẩu nông sản chính của Việt Nam như Mỹ, Nhật, Philipines… phục hồi tăng trưởng chậm nên sức mua thấp. Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành các chính sách hỗ trợ về lãi suất, khoanh nợ, tạm trữ… kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, chế biến, tiêu thụ để đảm bảo lợi ích cho nông dân. Nhờ đó, tình hình thị trường đã dần ổn định hơn. Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành cả năm 2013 ước đạt 27,5 tỷ USD, tăng 0,7% so với năm 2012, thặng dư thương mại đạt hơn 8,5 tỷ USD.
Khuyến khích đầu tư cho nông nghiệp
Theo dự báo, năm 2014, thị trường nông sản thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Ở trong nước, việc huy động nguồn lực xã hội cho nông nghiệp, nông thôn còn nhiều khó khăn và biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp. Theo TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Chính sách, chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT), dù Việt Nam đã trở thành một quốc gia xuất khẩu gạo, cà phê, điều, hạt tiêu… lớn trên thế giới nhưng thực tế giá trị hàng hóa còn thấp. Phần lớn nông thủy sản xuất khẩu dưới dạng sơ chế, giá trị gia tăng thấp. Do đó, yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng là đòi hỏi cấp thiết.
Đây cũng là một trong những nội dung được ưu tiên hàng đầu mà ngành nông nghiệp đặt ra cho năm 2014. Theo đó, Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương tập trung rà soát, xây dựng, sửa đổi bổ sung quy hoạch sản xuất nông nghiệp, kiên quyết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản phẩm trên từng địa bàn, từng địa phương, vùng, cả nước để vừa phát huy lợi thế của địa phương vừa quản lý sản xuất theo quy hoạch, chuỗi giá trị và phù hợp với cung, cầu thị trường. Đồng thời, thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, ưu tiên cao nhất cho lĩnh vực sản xuất các loại giống chất lượng cao, công nghệ chế biến, bảo quản giảm tổn thất sau thu hoạch, phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, các địa phương cần nhân rộng các mô hình có hiệu quả, nhất là cánh đồng mẫu lớn. Cùng với đó, đẩy mạnh liên kết giữa Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân, trước hết tập trung ở những vùng đã phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn; khuyến khích hợp tác, liên kết từ sản xuất, bảo quản, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả và bảo đảm hài hòa lợi ích các bên. Đặc biệt, thực hiện tái cơ cấu đầu tư, rà soát, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, khuyến khích mạnh mẽ các thành phần kinh tế đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó khuyến khích đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Lan tường - giống hoa chất lượng cao mới được đưa vào trồng ở xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm. Ảnh: Quang Thiện
|