Làm thế nào để từng bước hiện thực hóa được mục tiêu trên, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn-Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT) xung quanh những giải pháp trọng tâm thời gian tới.
Việt Nam hiện đã tham gia chuỗi giá trị nông sản thế giới và hiện đứng thứ 16; tại khu vực Đông Nam Á, chúng ta xếp thứ hai (chỉ sau Thái Lan). Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam những năm qua tăng trưởng khá nhanh. Với hai điều kiện trên, không ít người lạc quan cho rằng, việc Việt Nam lọt vào top 15 là điều đơn giản và sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian. Tuy nhiên, phải nhìn nhận khách quan, trong khi Việt Nam nỗ lực gia tăng giá trị ngành nông nghiệp thì tại các quốc gia phát triển khác cũng đang diễn ra một cuộc chạy đua tăng trưởng rất mạnh mẽ. Thêm nữa, Việt Nam có một điểm thua rất đáng đề cập là nhiều quốc gia đang có ngành chế biến vượt khá xa chúng ta.
Điều này đồng nghĩa, mục tiêu lọt vào top 15 quốc gia dẫn đầu về nông nghiệp là điều không dễ dàng, thưa ông?- Lọt vào top 15 về xuất khẩu nông sản là câu chuyện không dễ dàng; vào được top 10 về chế biến nông sản lại càng khó hơn, nhưng không phải là không thể đạt được. Để hiện thực hóa được mục tiêu trên, Việt Nam sẽ phải có mức tăng trưởng xuất khẩu cao gấp đôi so với các quốc gia cạnh tranh xung quanh trên bảng xếp hạng. Theo đó, đến năm 2030, xuất khẩu của Việt Nam phải đạt khoảng 60 - 65 tỷ USD. Nếu các quốc gia cạnh tranh làm tốt, thì kim ngạch xuất khẩu Việt Nam thậm chí phải đạt trên 90 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu trên trong bối cảnh tài nguyên có hạn, chỉ có cách là Việt Nam cần hướng tới các nông sản có giá trị cao hơn, có chất lượng và thương hiệu tốt hơn; đặc biệt là nâng cao giá trị gia tăng thông qua chế biến nông sản.
|
Chế biến dứa xuất khẩu tại Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Ninh Bình). Ảnh Tuấn Anh |
Ba giải pháp đột phá Ông có thể “định vị” vị trí của ngành chế biến nông sản Việt Nam hiện nay?- Việt Nam hiện có khoảng 12.000 DN tham gia vào lĩnh vực chế biến nông sản. Giá trị ngành chế biến nông sản cũng mới chỉ bằng khoảng 20% so với giá trị sản phẩm nông nghiệp thô. Rất đáng suy ngẫm nếu nhìn sang các nước xếp trên chúng ta trong lĩnh vực chế biến. Đơn cử như Thái Lan, hiện nay, giá trị ngành chế biến nông sản bằng khoảng 90% giá trị sản phẩm nông nghiệp thô. Đây là lý do giúp kim ngạch xuất khẩu của nước bạn trong năm 2017 đạt giá trị gấp 1,4 lần so với Việt Nam. Thậm chí, một số quốc gia như Mexico, Hàn Quốc, Nhật Bản… đã tạo ra giá trị gấp đôi cho sản phẩm nông nghiệp thô. Bài toán đặt ra là song song với tiếp tục đà tăng trưởng ngành nông nghiệp như hiện nay, Việt Nam cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn ngành chế biến.
Để tiếp tục gia tăng giá trị ngành nông nghiệp, thúc đẩy mạnh mẽ ngành chế biến nông sản, giải pháp đặt ra là gì, thưa ông?- Để gia tăng giá trị ngành nông nghiệp, có thể tính tới 3 giải pháp. Thứ nhất là chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng gia tăng các loại cây trồng, vật nuôi cho giá trị kinh tế cao hơn. Ví dụ, chuyển đổi từ đất lúa sang trồng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản… đáp ứng nhu cầu đang tăng lên của thị trường trong và ngoài nước. Cùng với đó là đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, gắn với thích ứng biến đổi khí hậu.
Thứ hai là tập trung khai thác các sản phẩm đặc sản, quy mô nhỏ nhưng có giá trị cao, gắn với phát triển thương hiệu. Đối với nhiệm vụ này, Chính phủ đã tạo tiền đề rất thuận lợi bằng việc thông qua Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020. Tuy nhiên, để chương trình đạt hiệu quả, cần phải tổ chức cộng đồng tốt. Đào tạo kỹ năng sản xuất, quản trị, kinh doanh cho người dân bản địa, gắn với việc xây dựng và phát triển thương hiệu các đặc sản vùng miền.
Và thứ ba là thúc đẩy mạnh mẽ lĩnh vực chế biến. Đối với giải pháp này, các DN đóng vai trò cốt lõi. Tôi cũng cho rằng, đây là giải pháp có tính đột phá nhất đối với mục tiêu nâng cao giá trị xuất khẩu cho nông sản Việt Nam. Một minh chứng rõ nét cho điều này là cà phê thông qua chế biến để thành cà phê hòa tan hiện có giá bán cao gấp 5 - 6 lần so với khi xuất khẩu cà phê thô.
Có vai trò rất lớn, tuy nhiên thực tế hiện nay, số DN tham gia vào nông nghiệp và các lĩnh vực liên quan, mới chỉ chiếm khoảng 8% tổng số DN đang hoạt động tại Việt Nam. Theo ông, rào cản hiện nay là gì và làm thế nào để chúng ta thu hút được nhiều hơn nữa những nhà đầu tư vào nông nghiệp?- Hiện nay, các DN tham gia vào lĩnh vực chế biến nông sản nói riêng chiếm khoảng 24% so với tổng số DN đang hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế. Hầu hết các DN chế biến đều gặp một số khó khăn căn bản như: Không có vùng nguyên liệu, thiếu hạ tầng kết nối, nguồn vốn đầu tư eo hẹp, nguồn nhân lực chất lượng thấp, công nghệ chế biến còn lạc hậu, chưa có hạ tầng logistics phụ trợ...
Sở dĩ các DN đối mặt với bài toán vùng nguyên liệu là bởi quy mô sản xuất nông nghiệp Việt Nam nhìn chung còn nhỏ lẻ, manh mún, trong khi DN lại thiếu kết nối với người nông dân. Đây là nơi mà vai trò “bà đỡ” của các địa phương phải được phát huy nhiều hơn nữa trong việc tạo dựng những vùng nguyên liệu lớn, qua đó, thu hút các DN chế biến về đầu tư. Đối với bài toán hạ tầng kết nối và tiêu thụ nông sản, cần có chương trình đầu tư bài bản để phát triển và nâng cấp hạ tầng giao thông, kho bãi, cầu cảng… giúp kết nối vùng nguyên liệu và nhà máy chế biến ở khu vực nông thôn tới thị trường tiêu thụ. Nếu không, các DN chế biến có lẽ sẽ chỉ tìm đường để đầu tư vào những thị trường tiêu thụ lớn, hoặc có bến cảng xuất khẩu như Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, qua đó, đã góp phần tháo gỡ rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong thu hút các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, các DN hiện vẫn cần một thứ nữa, đó là nguồn vốn. Theo đó, cần có cơ chế cho vay trong trung và dài hạn, bởi nếu nguồn vốn vay ngắn hạn, sẽ rất khó để DN triển khai các kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Các quy định cho vay cũng cần cởi mở và thông thoáng hơn. Tôi cho rằng, hai yếu tố này còn quan trọng hơn so với ưu đãi về lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, các tổ chức dịch vụ công cần tiếp tục phối hợp và hỗ trợ các DN trong tiếp cận công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, kiểm soát chất lượng và tiếp cận thị trường, nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất hiện nay.
Xin cảm ơn ông!